Báo động tội phạm xâm hại tình dục trẻ em - Góc nhìn từ phía gia đình
Trẻ em chính là nguồn hạnh phúc của gia đình, là mầm non tương lai của đất nước, là lớp người kế thừa sự nghiệp xây dựng phát tr...
Trẻ em chính là nguồn hạnh phúc của gia đình, là mầm non tương lai của đất nước, là lớp người kế thừa sự nghiệp xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta xác định, bảo vệ trẻ em chính là bảo vệ sự nghiệp phát triển tồn vong của đất nước, vì trẻ em vừa là mục tiêu, vừa là động lực và là tương lai phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tội phạm xâm hại đến trẻ em ở nước ta nói chung và địa bàn tỉnh Bắc Kạn nói riêng, đang là một thực trạng rất đáng lo ngại, nhất là tình trạng tội phạm xâm hại đến tình dục trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong gia đình các bị hại và quần chúng nhân dân.
Vụ việc bé trai 13 tuổi xâm hại bé gái 6 tuổi, xảy ra hồi tháng 9/2022 tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn
Theo pháp luật Việt
Nam, cụ thể là Luật trẻ em năm 2016 thì “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Tội phạm
xâm hại tình dục trẻ em được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ
sung năm 2017 gồm 5 điều luật, cụ thể: Điều 142 (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi);
Điều 144 (Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 145 (Tội giao
cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16
tuổi); Điều 146 (Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi); Điều 147 (Tội sử dụng người
dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm). Trong đó, người phạm tội hiếp dâm
người dưới 16 tuổi và cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có
thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình.
Một trong những nguyên
nhân dẫn đến tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em là do môi trường xã hội
ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị xâm hại; những ấn phẩm đồi trụy,
internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất khiêu dâm… đã tác động mạnh đến tư
tưởng, lối sống của một bộ phận lớp trẻ đặc biệt là trong giai đoạn các em bước
vào giai đoạn của tuổi dậy thì, đây là giai đoạn tâm lý và cơ thể của các em có
sự biến đổi rất lớn, thiếu sự quan tâm từ phía cha, mẹ, người thân, nhà trường
trong việc giáo dục giới tính và pháp luật dẫn đến tình trạng quan hệ tình dục ở
trẻ chưa thành niên có chiều hướng gia tăng. Vấn đề này không chỉ tiềm ẩn nhiều
nguy hại tới sức khỏe, cuộc sống tương lai của các em mà còn vi phạm pháp luật.
Nhiều vụ án rất đau lòng đã bị đưa ra xét xử, bản thân các bị cáo và bị hại
không ý thức được hậu quả đã xảy ra, cho rằng hai bên có tình cảm yêu đương nên
quan hệ tình dục tự nguyện, có vụ việc dẫn đến bị hại có thai khi còn ở độ tuổi
dưới 16. Thực tiễn quá trình xét xử các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ
em cho thấy lỗi một phần còn do sự chủ động từ các bị hại ở độ tuổi dưới 16. Điều
này cho thấy, sự phát triển về sinh lý ở trẻ em ngày nay sớm, suy nghĩ của giới
trẻ đối với việc “quan hệ” nam nữ ngày càng thoáng và cởi mở hơn so với những
thế hệ trước. Các em không chỉ dừng lại ở việc thổ lộ tình cảm với nhau mà còn
nghĩ đến chuyện “vượt rào” trong khi hầu hết các em chưa được giáo dục
toàn diện về sức khỏe sinh sản.
Bên cạnh đó, có những trường hợp người bị hại
và gia đình của người bị hại có tâm lý e ngại, mặc cảm, tự ti, lo sợ ảnh hưởng
đến danh dự, cuộc sống gia đình nên không dám lên tiếng. Khi xảy ra vụ việc, họ
thường không trình báo với cơ quan có thẩm quyền mà giấu diếm, bỏ qua hoặc tự
thỏa thuận với người có hành vi phạm tội và gia đình của người phạm tội. Nhiều
vụ án xảy ra xuất phát từ việc gia đình không quan tâm, quản lý, chăm sóc các
em trong cuộc sống hàng ngày. Trong đó, nhóm con em của những gia đình có hoàn
cảnh khó khăn, bố mẹ ly hôn, ly thân, bố mẹ mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật,
thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm với con cái tạo nên ý thức sống “buông thả”,
dễ bị xa đọa, lôi kéo vào những con đường vi phạm pháp luật hoặc trở thành nạn
nhân về xâm hại tình dục...
Trẻ em là những người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài không chỉ cho trẻ em là nạn nhân trực tiếp mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình trẻ bị xâm hại và cộng đồng xã hội. Bên cạnh việc xử lý đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thì công tác phòng ngừa tội phạm này cũng phải được chú trọng, ưu tiên hàng đầu. Để làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực này cần sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể; song hơn hết cần phát huy vai trò giáo dục trẻ ngay tại gia đình. Bởi gia đình là môi trường sống đầu tiên, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Do đó, mỗi gia đình, thành viên gia đình trước hết phải hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Những người cha, người mẹ phải luôn đồng hành cùng con, giáo dục, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại./.