Định danh tài khoản mạng xã hội chính là để bảo vệ người dân trên môi trường mạng
Từ ngày 25/12/2024 Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng bắt đầu có hiệu lực (Nghị định 1...
Từ ngày 25/12/2024 Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng bắt đầu có hiệu lực (Nghị định 147). Nghị định quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng đối với: Dịch vụ, tài nguyên internet; thông tin trên mạng; cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Tại điểm e khoản 3 điều 23 của Nghị định trên có quy định bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại di động. Theo đó, những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam thường xuyên trong 1 tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 6 tháng liên tục) từ 100.000 lượt trở lên sẽ phải chịu một số trách nhiệm. Cụ thể, các đơn vị cung cấp thông tin xuyên biên giới phải thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Tuy nhiên, các quy định này lại bị các thế lực thù địch quy chụp là Chính phủ đạng bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của người dân. Các luận điệu như: “Từ khi internet, mạng xã hội trở nên phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là hình thức livestream trực tiếp, mỗi người dân cũng có thể trở thành một nhà báo độc lập, đưa nhiều thông tin về tình trạng xã hội, tham nhũng, tiêu cực của quan chức, công an, cảnh sát giao thông… lên mạng. Điều đó đã trở thành cái gai trong mắt chính quyền cần phải loại bỏ. Nhìn rộng hơn, nghị định 147 này cùng với Luật an ninh mạng, buộc người dân làm căn cước công dân gắn chip, cho thấy một tham vọng xuyên suốt của công an và chính quyền Việt Nam để siết chặt quản lý người dân, kiểm soát mọi phát ngôn trái ý đảng và ảnh hưởng đến chế độ. …”.
Đầu tiên phải khẳng định việc bổ sung quy định cụ thể
về xác thực người dùng mạng xã hội là cần thiết, nhất là với tình hình tội phạm
lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng đã và vẫn đang gia tăng như hiện nay.
Quy định này cần thiết trước tình trạng tin giả, tin
sai sự thật vẫn phổ biến tạo ra những hệ lụy tiêu cực, gây bức xúc trong dư
luận, do không có tính chính thống. Mà nguồn gốc của số tin giả, tin sai sự
thật ấy hầu hết đến từ các tài khoản “ảo”.
Việc định danh tài khoản là để nâng cao ý
thức, trách nhiệm trong từng phát ngôn là quy định rất xác đáng. Điều này tạo
nên một không gian mạng lành mạnh. Giúp các cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong
việc ngăn chặn và xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trên mạng.
Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường mạng xã hội lành
mạnh, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia không gian
mạng, tôn trọng quyền tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật. Và để làm
được điều đó nhất thiết cần có một hành lang pháp lý cùng các chế tài đảm bảo
sự rõ ràng về nguồn gốc của các phát ngôn, nguồn tin trên không gian mạng.
Để ngăn chặn có hiệu quả hành vi phát tán
thông tin sai sự thật hoặc vi phạm pháp luật cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần
thực hiện một số nội dung sau:
- Nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật khi
sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Quyết định số 874/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và
Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021 về Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, nhằm
đảm bảo hành vi của tổ chức, cá nhân khi tham gia không gian mạng đúng đắn.
- Không tham gia ủng hộ hay bình luận vào các
livestream có nội dung công kích, thay vào đó cần lên án các hành vi sai trái
và thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật
trên mạng./.