CẢNH GIÁC VỚI CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG.
Mong muốn ra nước ngoài làm việc, kiếm được nhiều tiền, nhiều người lao động đã tin theo những lời dụ dỗ, quảng cáo, hứa hẹn của các cá nhân...
Mong muốn ra nước ngoài
làm việc, kiếm được nhiều tiền, nhiều người lao động đã tin theo những lời dụ dỗ,
quảng cáo, hứa hẹn của các cá nhân, tổ chức, công ty mối giới lừa đảo xuất khẩu
lao động.
Việc đưa người lao động
ra nước ngoài làm việc là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, qua đó vừa
tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đem về nguồn ngoại tệ thúc
đẩy kinh tế của đất nước phát triển. Tuy nhiên, lợi dụng chủ trương này vẫn có
một số cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm các quy định của pháp luật để lừa đảo,
môi giới, tuyển, nhận hồ sơ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lừa đảo
xuất khẩu lao động (XKLĐ) không còn là câu chuyện mới nhưng vẫn có nhiều trường
hợp trở thành nạn nhân, cụ thể: Ông T.V.L trú tại xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh
Bắc Kạn được ông H.T.T là nhân viên của Công ty X, có văn phòng đại diện tại
huyện Pác Nặm. Tư vấn đơn hàng Nông nghiệp làm việc tại Nhật Bản, thỏa thuận
đơn hàng là 140 triệu đồng, ngày 23/3/2023 ông L đã đặt cọc trước 10 triệu đồng.
Quảng cáo lừa đảo tuyển người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc |
Đến ngày 23/6/2023,
Công ty thông báo đã đỗ đơn hàng nhưng phí đơn hàng tăng thêm 10 triệu đồng,
ông L không đồng ý, yêu cầu ông T trả lại tiền đã nộp nhưng không được và đành
phải nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp giải quyết. Điều đáng nói ở đây là việc
nộp tiền, chuyển tiền cho các đối tượng môi giới, cộng tác viên, nhân viên trên
đều không có biên lai, hóa đơn, giấy tờ chứng minh nộp tiền, khi làm thủ tục
không thông qua cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, do đó khi phát hiện bị lừa đảo
rất khó để đòi lại tiền. Ngoài trường hợp của ông L chắc chắn rằng cũng có những
trường hợp khác đã và sẽ trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo XKLĐ. Dưới đây
là một số dấu hiệu nhận biết “Chiêu trò lừa đảo xuất khẩu lao động”:
(1) Tư vấn công việc mức
lương khủng, không yêu cầu trình độ cao, chi phí rẻ.
(2) Hướng dẫn người lao
động làm giả gấy tờ (bằng tốt nghiệp, văn bằng, chứng chỉ liên quan).
(3) Dụ dỗ đi theo con
đường chui (du lịch, du học...).
(4) Không có giấy tờ
cam kết mức phí đã thông báo hoặc không có giấy xác nhận khi nộp tiền.
Để không trở thành nạn
nhân của lừa đảo xuất khẩu lao động, người dân lưu ý 4 cần:
Cần tìm hiểu kỹ thông
tin của công ty môi giới XKLĐ: Tra cứu thông tin, tên doanh nghiệp XKLĐ tại
Website của Cục quản lý lao động ngoài nước tại địa chỉ: http://dolab.gov.vn.
Cần phải tỉnh táo trước
những lời quảng cáo, tư vấn, mời chào: Nội dung công việc, thời hạn hợp đồng; đối
tác của công ty chủ quản ở nước ngoài; lương cơ bản, tình trạng tăng ca; thuế
và bảo hiểm phải đóng; ngày thi tuyển, thời hạn xuất cảnh; yêu cầu sức khỏe,
năng lực, trình độ, chứng chỉ, bằng cấp. Tuyệt đối không tin vào quảng cáo như
thời hạn ngắn lương cao, trình độ thấp lương cao, công việc nhẹ nhàng, chi phí
làm thủ tục thấp (chú ý khi nộp bất kỳ khoản phí nào cho công ty yêu cầu phải
cung cấp biên lai, phiếu thu để làm bằng chứng nộp tiền).
Cần đọc thật kỹ, kiểm
tra hợp đồng trước khi ký: Trước khi đặt bút ký hợp đồng cần đọc thật kỹ các
thông tin, điều khoản liên quan để đảm bảo hợp đồng được ký khi có sự thống nhất
của hai bên; lưu, cất giữ các giấy tờ liên quan đến hợp đồng lao động cẩn thận.
Cần tìm hiểu cách thức
liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam: Trước khi sang nước ngoài lao động cần tìm hiểu
và ghi nhớ cách thức liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam hoặc các tổ chức phi
chính phủ uy tín giúp đỡ người lao động để phòng trường hợp xấu xảy ra.
Bên cạnh đó, nếu không
may bị lừa đảo xuất khẩu lao động: Trước hết cần phải bình tĩnh, thu thập đầy đủ
các tài liệu, giấy tờ nộp tiền làm bằng chứng, sau đó liên hệ cơ quan Công an gần
nhất để tố giác. Đối với hành vi “lừa đảo xuất khẩu lao động” có thể bị truy cứu
trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (theo Điều 174 Bộ luật
Hình sự), mức phạt cao nhất mà người phạm tội phải chịu là chung thân.
Thiết nghĩ, cần có sự
quản lý, giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động
môi giới, tuyển người đi lao động tại nước ngoài. Những công ty, doanh nghiệp
tuyển dụng lao động không có giấy phép hoạt động hoặc có những sai phạm cần được
công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân biết và tránh. Đồng thời,
mỗi người dân khi có nhu cầu đi XKLĐ, cần đăng ký tại các địa chỉ uy tín, thông
qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
cấp huyện, Trung tâm Dịch vụ việc làm hoặc các doanh nghiệp được Bộ Lao động –
Thương binh và Xã hội cấp phép, tránh tiền mất, tật mang!.