XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG LÀ CHỦ TRƯƠNG ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

  * Quan điểm sai trái, thù địch: Thời gian qua, các thế lực thù địch, chống đối Việt Nam thường xuyên đưa ra những luận điệu xuyên tạc, c...

 * Quan điểm sai trái, thù địch:

Thời gian qua, các thế lực thù địch, chống đối Việt Nam thường xuyên đưa ra những luận điệu xuyên tạc, công kích, bôi nhọ chủ trương, chính sách đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động) và công tác bảo hộ công dân của Đảng, Nhà nước ta, như: “Cường quốc xuất khẩu cơ bắp”, “người dân Việt Nam vẫn ồ ạt sang nước ngoài để bán sức lao động” hay “xuất khẩu lao động, nguồn thu nhập chính của Đảng”; mục đích nhằm gây ra sự phân tâm, hoài nghi về chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đối với người lao động; làm cho người dân lo lắng, không yên tâm khi đi lao động ở nước ngoài; phủ nhận những nỗ lực, kết quả của cơ quan chức năng Việt Nam trong công tác quản lý di cư, bảo hộ công dân; thâm độc hơn là nhằm hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.



* Chủ trương của Đảng, Nhà nước về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài:

- Thời gian qua, Đảng ta đã ban hành 03 Chỉ thị về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Chỉ thị số 41-CT-TW, ngày 22/9/1998 “về xuất khẩu lao động và chuyên gia”; Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 08/5/2012 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”; mới đây nhất là Chỉ thị 20-CT/TW  ngày 12/12/2022 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”.

- Nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Quốc hội đã ban hành 02 Luật, gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006; và Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020.

- Theo đó, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là không phải đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài bằng mọi giá; phải bảo đảm hợp pháp, an toàn, hiệu quả. Thông qua công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở ngoài để giúp người lao động được tiếp cận với thị trường lao động thế giới, nâng cao năng lực, trình độ ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng nghề, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

* Phản bác các luận điệu công kích, xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch, phản động

 Chủ trương đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là đúng đắn: Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là hoạt động kinh tế đối ngoại của mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một bộ phận của hợp tác quốc tế, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với các nước; là biện pháp thực hiện chủ trương an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ lao động, tác phong làm việc.

Việt Nam hiện có hơn 500 doanh nghiệp, dịch vụ được cấp phép đưa người lao động đến hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ làm việc. Từ năm 2010 đến nay, đã giải quyết cho hơn 1,4 triệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn; bình quân mỗi năm, các cơ quan, doanh nghiệp đưa khoảng 120.000 đến 143.000 lao động ra nước ngoài; lượng kiều hối từ lực lượng này gửi về đạt khoảng 17 - 18 tỷ đô la Mỹ mỗi năm[1]; điều này góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế; đồng thời cũng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cuộc sống của người lao động và gia đình.

- Đảng, Nhà nước bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách để bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, như: (1) Hỗ trợ người lao động tiếp cận các nguồn vốn để chi trả chi phí đi làm việc ở nước ngoài (hỗ trợ vốn; giảm lãi suất). (2) Chú trọng phát triển, mở rộng thị trường lao động ở các nước (ngoài các thị trường truyền thống như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; hiện đã mở rộng thêm những thị trường mới có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt như: Đức, Ba Lan, Séc,…). (3) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng nước sở tại, các hội đoàn Việt Nam để nắm số lượng, tình hình người lao động; kịp thời hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp (năm 2011, sơ tán khẩn cấp đưa hơn 10.000 lao động về nước trong cuộc nội chiến tại Lybia; hỗ trợ đưa hàng nghìn công dân hồi hương trong đại dịch covid 19; sẵn sàng ứng phó, kịp thời bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ người lao động Việt Nam trong sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản năm 2011,…). (4) Phối hợp chặt chẽ với các nước, cơ quan quốc tế (như: Interpol, ASEANPOL,…) điều tra xử lý nghiêm và có các giải pháp để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài như: cư trú, nhập cư bất hợp pháp; tội phạm liên quan đến buôn bán người, ma tuý, mại dâm, vận chuyển động vật hoang dã; góp phần giữ gìn hình ảnh đẹp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong mắt bạn bè quốc tế,

          - Cộng đồng người lao động Việt Nam ở nước ngoài góp phần quảng bá hình ảnh, giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hoá, con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế:

Lao động Việt cần cù, sáng tạo, có kinh nghiệm sản xuất phong phú; thông qua lao động ở nước ngoài, đã góp phần quảng bá những hình ảnh, giá trị tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam đến các nước đó. Minh chứng rõ nhất phải kể đến “team châu Phi” của anh Phạm Quang Linh, sinh năm 1997, quê ở tỉnh Nghệ An, là những người Việt Nam đi làm việc ở An-gô-la - một quốc gia ở Trung Phi; trong quá trình lao động tại đây, thấy cuộc sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, anh đã cùng với “team châu Phi” (gồm 04 người Việt và 05 người châu Phi) tiến hành các hoạt động thiện nguyện như: góp tiền thuê thợ khoan giếng để tạo nguồn nước sinh hoạt, lắp hệ thống điện mặt trời; hỗ trợ xây dựng nhà ở, trường học cho một số bản làng; dạy họ cách trồng cây lương thực (như lúa nước, ngô) và rau để góp phần xoá đói, giảm nghèo và đăng tải trên trang youtube “Quang Linh Vlogs - Cuộc sống ở châu Phi”. Những việc làm của anh Linh cùng “team châu Phi” đã góp phần quảng bá hình ảnh tươi đẹp, thân thiện của đất nước, con người Việt Nam ở châu Phi nói riêng và bạn bè quốc tế.

- Nhiều gia đình, làng quê “thay da đổi thịt”: Thời gian qua, nhờ xuất khẩu lao động, nhiều gia đình đã thoát nghèo, xây dựng được nhà ở khang trang, cuộc sống gia đình được cải thiện; bên cạnh đó, tạo nguồn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, thay đổi diện mạo làng quê ở nhiều địa phương trong cả nước.

Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, có nguồn lao động dồi dào với trên 52 triệu người đang trong độ tuổi lao động. Chủ trương của Đảng, Nhà nước về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội là đúng đắn, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho chính người dân và cho đất nước. Những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động chỉ nhằm chống phá, gây lo lắng, hoang mang trong quần chúng nhân dân và hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; mỗi người dân cần nhận diện, hiểu thấu đáo và phản bác những quan điểm sai trái trên.



[1] Số liệu được trích dẫn trong bài viết và phóng sự “Những cáo buộc phi lý về hợp tác xuất khẩu lao động” của Truyền hình Công an nhân dân, ngày 12/4/2024.

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item