SÁCH TRẮNG VỀ TÔN GIÁO – SỰ THẬT VỀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

         Sáng 9/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Na...

        Sáng 9/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” nhằm cung cấp thông tin đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam.


Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” dày 132 trang gồm 03 chương: Giới thiệu thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; những quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thành tựu, thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Đây là lần thứ hai Việt Nam công bố sách trắng về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam (lần đầu tiên công bố năm 2007). Trong lần này, sách trắng một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo: "Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm". Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định pháp luật, bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số; người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam và người chấp hành án phạt tù. Ngoài ra, Nhà nước cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát huy nguồn lực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm giải quyết.

Sách trắng cũng đã cung cấp thông tin chính thức về đời sống tôn giáo ở Việt Nam, qua đó giúp các các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiểu rõ về sự thật tự do tôn giáo ở Việt Nam. Sách trắng cho biết: Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, hiện nay Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 4 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo, ở Việt Nam, với trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự; có hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung (trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam). Các tôn giáo ở Việt Nam đều có đóng góp nhất định cho đất nước trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, đồng thời là một nhân tố xã hội và văn hóa tích cực, góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Các tôn giáo du nhập từ bên ngoài cũng có quá trình tiếp biến với văn hóa Việt, tạo ra nét riêng của tôn giáo Việt Nam. Việt Nam là đất nước ôn hòa trong quan hệ giữa các tôn giáo; có truyền thống đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Việc chung sống hòa bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tính nhân ái, nhân bản của con người và xã hội Việt Nam đã tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo: Phong phú, đan xen lẫn nhau. Ở Việt Nam ngày nay, sự đồng thuận giữa các tôn giáo và Nhà nước thể hiện rất rõ. Đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có đoàn kết các tôn giáo là nguồn sức mạnh và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.


Âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tự do tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước tuy không mới, nhưng ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Sự thật là như vậy, vậy mà trong những năm qua, trong các báo cáo tự do tôn giáo của một số nước lại đề cập đến Việt Nam với những thông tin sai lệch, vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm quyền “tự do tôn giáo” của người dân. Họ cho rằng Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của nhiều tôn giáo, thậm chí có hành động đàn áp một số tín đồ tôn giáo. Bên cạnh đó, còn một bộ phận nhỏ chức sắc, tín đồ của một số tôn giáo cho rằng họ không được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; rêu rao rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, Nhà nước Việt Nam xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của giáo hội... Những đánh giá ấy chẳng những không phản ánh đúng bản chất tình hình mà thậm chí cố tình phớt lờ những thành tựu của Việt Nam trong tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Thực chất đây không chỉ là những nhận thức sai lệch, mà xuất phát từ âm mưu, mục đích chính trị, nhằm lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Cần phải thấy rằng, ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, quyền tự do tôn giáo đều phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, chứ không thể có sự tự do vô chính phủ, tự do vô nguyên tắc. Và dĩ nhiên, ở Việt Nam cũng vậy! Đảng, Nhà nước Việt Nam không ngăn cấm tôn giáo và sự phát triển tôn giáo, mà chỉ ngăn cấm việc lợi dụng tôn giáo vì mục đích chính trị nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây rối xâm phạm an ninh quốc gia. Do đó, các tôn giáo ở Việt Nam phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, không để bất cứ ai, bất cứ thế lực nào lợi dụng xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tự do tôn giáo ở Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước tôn trọng và bảo đảm

         Như vậy, một lần nữa sách trắng tôn giáo đã khẳng định chắc chắn rằng, ở Việt Nam quyền tự do tôn giáo luôn được Nhà nước bảo đảm thực hiện, ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là đàn áp tôn giáo. Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo chỉ là chiêu trò mà các thế lực thù địch lợi dụng, sử dụng để nhằm phục vụ âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam mà thôi.

V.Đ.T

Related

Luận bàn 3157095643775113971

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item