TÁC HẠI CỦA HÚT THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ
Gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên, học sinh hút thuốc lá đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Thực trạng này kh...
Gần đây, tình trạng trẻ vị
thành niên, học sinh hút thuốc lá đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia
tăng. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của
chính bản thân các em tuổi vị thành niên - lứa tuổi hiếu kỳ, tò mò và thích
khám phá, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn bè và người xung quanh.
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam bên cạnh
các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào đang được quản lý
theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, đang xuất hiện một số
sản phẩm thuốc lá mới, trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá
nung nóng, shisha,… Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để sản xuất các sản phẩm
thuốc lá điện tử có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất
nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại
đối với sức khỏe, thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện.
Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi khác
nhau nhưng các bạn trẻ thường gọi là shisha điện tử, là bút vape (vếp). Một điếu
thuốc lá điện tử hoạt động bằng pin và thả ra liều nicotine bốc hơi để người
dùng hít vào. Nó đem đến cảm giác tương tự như khi hít phải khói thuốc lá. Hầu
hết thuốc lá điện tử đều có một ống ngậm, hoặc hộp mực, một bộ làm nóng, pin sạc
và mạch điện. Khi người dùng hút sẽ có một cảm biến kích hoạt bộ làm nóng làm
bay hơi dung dịch lỏng, hương vị được giữ trong ống ngậm. Sau đó, người dùng sẽ
“vape” (hút bằng miệng) hoặc hít vào dung dịch khí.
Khi hút thuốc lá điện tử
thường xuyên có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần so với những người
hút các loại thuốc lá thông thường. Trong bút vape (vếp) chứa chất
Formaldehyde, một chất khí không màu do thuốc lá điện tử tạo ra khi đốt nóng chất
lỏng chứa nicotine và chất tạo mùi thơm bên trong thiết bị. Đây là chất hóa học
độc hại có khả năng gây ung thư, thường được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây
dựng và bảo quản thi hài. Theo các chuyên gia, cứ 3ml chất lỏng được đốt nóng sẽ
tạo ra 14mg chất Formaldehyde. Với người thường xuyên hút 1 bao thuốc/ngày, lượng
Formaldehyde “nạp” vào cơ thể là 3 mg/ngày. Với liều lượng như vậy, nguy cơ ung
thư ở những người hút thuốc lá điện tử lâu năm sẽ cao từ 5-15 lần so với những
người nghiện thuốc lá thường.
Các sản phẩm thuốc lá mới
này rất có hại cho sức khỏe của cả người hút và những người xung quanh, là
nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotin, gây các bệnh về tim mạch, hô
hấp, tiêu hóa. Sử dụng thuốc lá điện tử gây tổn thương phổi cấp tính và làm
tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, như: ung thư phổi, ung thư vòm họng, bệnh phổi
tắc nghẽn mãn tính, tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim mạch, đột quỵ.
Đã có không ít trường hợp học sinh được đưa
vào cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do
ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử. Cụ thể: trường hợp của em N.A (nam, 12
tuổi) là học sinh Trung học ở Hà Nội đã đến Khoa Sức khỏe vị thành niên – Bệnh
viện Nhi Trung ương với tình trạng khó thở và co giật. Theo thông tin khai thác
thông tin từ gia đình: N.A là học sinh ngoan, học giỏi, nhưng bố đi làm xa, mẹ
bận công việc nên không dành thời gian quan tâm, giám sát trẻ. Gần đây, N.A hay
tụ tập với các anh lớp trên ở trường học, các anh đã rủ N.A sử dụng thuốc lá điện
tử. N.A cho rằng chơi với các anh lớn tuổi, bản thân mình được trải nghiệm hơn,
“làm người lớn” hơn nên đã. Sau đó, trẻ có tự mua trên mạng về để được tự do
hút. Cùng với việc hút thuốc lá điện tử, N.A cũng có biểu hiện học sa sút hơn,
bướng bỉnh, có hành vi chống đối với bố mẹ.
Với các em ở tuổi dậy thì thì việc hút thuốc
lá điện tử như là cách tỏ ra mình là người lớn hay “đú” với những bạn khác. Lê
Hữu Thắng, học sinh lớp 11 của một trường dân lập ở quận Ba Đình cho biết, từng
hút thuốc lá điện tử được hơn 2 năm nhưng vì mệt, ho nhiều nên đã bỏ. Theo Thắng,
thuốc lá điện tử có nhiều loại với nồng độ nicotine từ 0% cho đến nhẹ, rồi “nặng
đô” với nhiều hương vị như các loại hoa quả mix (trộn) với nhau, thậm chí có cả
vị rượu, vị thuốc lá, vị trà. “Lần đầu tiên thử thuốc cháu thấy chân tay bủn rủn,
thở dốc và phải dừng lại. Nhưng khi đã quen, cháu thường xuyên sử dụng. Có lần
cháu đã cùng nhóm bạn góp tiền mua loại thuốc lá điện tử giá 10 triệu đồng một
cây để thử. Một tháng, trung bình bọn cháu tốn khoảng 600.000 đồng cho loại
dùng một lần, còn nếu mua loại dùng nhiều lần thì số tiền thấp hơn một chút”,
Thắng chia sẻ.
Hút thuốc lá điện tử trở thành trào lưu mới của
học sinh, vì nó thể hiện “chất chơi”. Lê Văn B. (học sinh lớp 10 ở quận Nam Từ
Liêm) kể, nhiều bạn rút điếu thuốc lá điện tử ra hút để thể hiện độ “ngầu”, thuốc
lá càng đắt đỏ, càng đậm nicotine càng oách. Thậm chí nhiều bạn còn biểu diễn kỹ
năng “bắn O”, “bắn trái tim”…sau đó quay clip để đăng TikTok.
Từ những tác hại trên,
mong các bạn trẻ không sử dụng, không lôi kéo, rủ rê người khác tham gia hút
hít, không vận chuyển, không mua bán tàng trữ chất gây nghiện.
Không hút thuốc vì sức khỏe
của chính bạn và những người thân yêu xung quanh./.