Cần nhìn nhận đúng về bản chất của Pháp luân công
Thời gian gần đây, Pháp luân công đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau như: Gửi tài liệu qua đường bưu chính viễn thông, lập các trang Web...
Thời gian gần đây, Pháp
luân công đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau như: Gửi tài liệu qua đường bưu
chính viễn thông, lập các trang Web và tài khoản mạng xã hội để truyền bá về
tác dụng, lợi ích của việc luyện tập Pháp luận công đối với sức khỏe, tinh thần,
dễ gây hiểu lầm, hoài nghi; người tiếp cận không cảnh giác dễ bị mê hoặc, vô
tình tiếp tay cho các thế lực thù dịch, phần tử xấu lợi dụng chống phá Đảng,
Nhà nước. Do vậy chúng ta cần nhìn nhận đúng về bản chất của tổ chức này.
Pháp luân công là gì?
Pháp luân công có tên gọi
khác là “Pháp luân đại pháp” do Lý Hồng Chí người Trung Quốc sáng lập năm 1992
tại Cát Lâm, Trung Quốc. Do có các hoạt động mang màu sắc chính trị, phức tạp về
an ninh trật tự nên Chính phủ Trung Quốc đã ngăn chặn, giải tán, Lý Hồng Chí
cùng các thành viên cốt cán trốn sang Mỹ định cư. Tại Mỹ, do được lực lượng hậu
thuẫn, Lý Hồng Chí và các cộng sự tiếp tục tuyên truyền rộng rãi trên các
phương tiện thông tin đại chúng để lôi kéo người tham gia. Pháp luân công du nhập
vào Việt Nam từ năm 2000 thông qua nhiều con đường như: Học sinh, sinh viên du
học, khách du lịch, truyền thông qua mạng xã hội và tài liệu, sách, báo nước
ngoài. Mới đầu có 3 - 4 nhóm (mỗi nhóm khoảng 6 - 10 người) luyện tập Pháp luân
công, sau đó lan rộng ra trên phạm vi cả nước.
Trong thời gian qua, trên
địa bàn cả nước, Pháp luân công đã có những hoạt động vi phạm pháp luật, mang
màu sắc chính trị đối lập, phá hoại an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,
điển hình như sau:
Lợi dụng việc Quốc hội xin
ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số đối tượng theo Pháp luân
công đã xuyên tạc và đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
đòi phải lấy nguyên lý “chân - thiện - nhẫn” của Lý Hồng Chí để xây dựng Hiến
pháp mới.
Năm 2011, Tòa án nhân dân
thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án Vũ Đức Trung là đối tượng tham gia Pháp
luân công và đồng bọn về tội “Đưa trái phép thông tin trên mạng viễn thông”
theo Điều 226, Bộ luật hình sự. Lợi dụng việc này, hàng trăm đối tượng theo
Pháp luân công đã tụ tập biểu tình trước trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội
đòi trả tự do cho Vũ Đức Trung và đồng bọn, gây rối an ninh trật tự.
Năm 2014, bốn đối tượng
tham gia Pháp luân công là Nguyễn Doãn Kiên (Hà Nội), Trịnh Minh Khánh (Thanh
Hóa), Vũ Hồng Tố (Nghệ An), Nguyễn Văn Kiệm (Gia Lai) đi trên 02 xe máy mang
búa tạ vào khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý đồ đập phá Lăng, đòi đưa thi
hài Chủ tịch Hồ Chi Minh ra khỏi Lăng, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét
xử, tuyên phạt bốn đối tượng trên về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều
245, Bộ luật hình sự, với tổng hình phạt 19 năm tù giam. Trước đó, các đối tượng
này đã có ý đồ dùng dây cáp để kéo đổ tượng đài Lênin tại Công viên Lênin, Hà Nội
nhưng bất thành..
Năm 2018, Tòa án nhân dân
thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên xét xử bốn đối tượng tham gia Pháp luân
công về tội “Cướp tài sản” theo Điều 133, Bộ luật hình sự và tội “Cướp giật tài
sản” theo Điều 136, Bộ luật hình sự, có khoảng 100 đối tượng theo Pháp luân
công tụ tập ở khu vực trụ sở Toà án thành phố gây mất an ninh trật tự.
Ngoài ra, một số đối tượng
cầm đầu, cốt cán Pháp luân công đã móc nối, liên hệ, phối hợp hoạt động, đối tượng
ở tỉnh này đến tỉnh khác để tuyên truyền, phát tán tài liệu về Pháp luân công;
đồng thời lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý và đấu tranh của
chính quyền địa phương đã có những hành động vu cáo, xuyên tạc, kích động chống
đối chính quyền, gây phức tạp nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội. Một số đối tượng theo Pháp luân công đã công khai trương các băng
rôn, khẩu hiệu, viết bài đăng trên các trang mạng xã hội chống phá Đảng, Nhà nước
ta, như: “Pháp luân công bị Đảng Cộng sản Việt Nam đàn áp”, “Xin bỏ thẻ Đảng,
thẻ Đoàn”, “Ủng hộ thoái Đảng, thoái Đoàn”...
Bản chất của Pháp luân
công?
Pháp luân công thực chất
không phải là một tín ngưỡng, tôn giáo, không có giáo lý, giáo luật hoàn chỉnh
mà vay mượn, cắt xén của các tôn giáo khác để hình thành; gắn lợi ích việc luyện
tập khí công với luận điệu “mê tín” như luyện tập khí công sẽ được “Phật chủ” tịnh
hóa, phù hộ, bảo vệ; lấy vỏ bọc khí công dưỡng sinh tốt cho tâm tính, đề cao đạo
đức, lôi kéo người luyện tập..., sau đó xuyên tạc, bài xích các tôn giáo để hướng
đến đề cao Lý Hồng Chí là người cứu vớt nhân loại... Như vậy mục đích của Pháp
luân công là mượn vỏ bọc của một môn khí công rèn luyện sức khỏe và lợi dụng
các yếu tố tôn giáo, tâm linh để tập hợp lực lượng, lôi kéo quần chúng tham
gia, khuếch trương thanh thế, đòi chính quyền công nhận tư cách pháp nhân, nhằm
từng bước công khai hình thành tổ chức đối lập về chính trị ở Việt Nam.
- Bản chất phản khoa học:
Pháp luân công lợi dụng các bài tập khí công truyền thống vốn có lợi cho việc
tăng cường sức khỏe, biến nó thành của mình, khuếch đại tác dụng của việc luyện
tập Pháp luân công đối với sức khỏe, cho rằng những người luyện tập Pháp luân
công có thể tự chữa được bách bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, tác
dụng của phương pháp tập luyện này chưa có cơ sở và nghiên cứu khoa học chính
thức nào kiểm chứng và cũng không có tổ
chức, cá nhân nào đưa ra tài liệu khoa học chứng minh việc tập luyện Pháp luân
công có tác động đến sức khỏe con người.
- Bản chất phản văn hóa,
xã hội: Pháp luân công cổ vũ “từ bỏ tình thân” chuyên tâm theo học “Pháp luân đại
pháp” để được thăng cấp, cuối cùng sẽ tu thành “Phật, Đạo, Thần”. Lý Hồng Chí tự
xưng là “Pháp thân”, “Pháp chủ”, “Phật sống” để “cứu độ” chúng sinh. Có người
do chưa nắm rõ bản chất đã ngộ nhận Pháp luân công là một môn tu tập của Phật
gia nên những hệ lụy cho xã hội, gia đình và bản thân.
Vì vậy, mỗi người dân, cán
bộ, đảng viên hãy tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người thân trong gia
đình, bạn bè nhận thức đúng về bản chất của Pháp luân công và âm mưu, thủ đoạn
của các thế lực thù địch, nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, không làm theo
sự kích động, lôi kéo của Pháp luận công và đối tượng xấu; phát huy trách nhiệm,
kịp thời phát hiện, trình báo với cơ chức năng khi xuất hiện người có hành vi
truyền bá Pháp luân công.