NÂNG CAO NHẬN THỨC, TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH TRONG VIỆC BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, việc tìm hiểu, học tập của trẻ em trên không gian mạng ngày một thuận lợi hơn. Tuy ...
Với sự phát triển
không ngừng của công nghệ thông tin, việc tìm hiểu, học tập của trẻ em trên
không gian mạng ngày một thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trẻ em cũng chính là đối tượng
chịu ảnh hưởng nhiều từ những thông tin tiêu cực trên môi trường Internet.
Việt Nam hiện
đang có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số, trong đó 2/3 trẻ em có
thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Theo báo cáo của Tổ chức UNICEF công bố
ngày 03/8/2022, 82% trẻ em Việt Nam trong độ từ 12-13 tuổi và 93% đối với trẻ từ
14-15 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, trung bình dành tới 05 tiếng/ngày trên
không gian mạng. Việc sử dụng, tham gia các hoạt động trên Internet gia tăng
khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều rủi ro, cạm bẫy do chưa có nhận thức phòng
vệ như người lớn, hậu quả để lại không nhỏ và lâu dài, có thể kể đến các nguy cơ
như sau:
1) Bị lừa đảo, dụ
dỗ bởi các đối tượng xấu, chúng sử dụng mạng xã hội để tiếp cận trẻ, thông qua
nhiều chiêu trò như tặng quà, phỉnh nịnh, khiến trẻ dễ mất cảnh giác, có thể bị
lạm dụng, xâm hại tình dục, để lộ thông tin, hình ảnh cá nhân, bị quay lén hoặc
tấn công phá hoại máy tính, điện thoại.
2) Trẻ em dễ bị
tiếp xúc với các thông tin xấu độc, các nội dung bạo lực, đồ trụy, suy nghĩ lệch
lạc, không phù hợp với lứa tuổi, gây tổn hại đến thể chất lẫn tinh thần của trẻ
hoặc khiến trẻ bị kích động, làm hại bản thân và gia đình.
3) Trở thành nạn
nhân của bạo lực trên không gian mạng, bị bắt nạt trên mạng xã hội, trong các hội
nhóm, trò chơi hoặc thậm chí cả trong các lớp học trực tuyến. Phương thức phổ
biến của bắt nạt trên không gian mạng thường là kêu gọi tẩy chay, bôi nhọ danh
dự, lan truyền những hình ảnh, thông tin nhạy cảm, xấu hổ, sai sự thật.
4) Nguy cơ mắc
các chứng bệnh, rối loạn tâm thần và hành vi, rối loạn cảm xúc do sau khi sử dụng
Internet. Khi trẻ em dành quá nhiều thời gian trên Internet mà không có sự giám
sát, quản lý từ gia dình, trẻ dễ dần đến việc “nghiện” Internet, không kiểm
soát được bản thân. Khi bị tách rời với Internet, có thể có hành vi như dập
phá, la hét, hay thu mình ngồi một chỗ, mất kết nối với gia đình và xã hội. Việc
chữa trị thường tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí, để lại di chứng, ảnh
hưởng nặng nề trong quá trình phát triển của trẻ.
Trên thực tế, việc
giáo dục cho trẻ em kiến thức, kỹ năng khi sử dụng Internet hiện nay vẫn còn
nhiều hạn chế. Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH), chỉ có 36% trẻ
em (hầu hết ở độ tuổi 16-17) được giáo dục sớm về việc đảm bảo an toàn trên
không gian mạng. Ngoài ra, do môi trường không gian mạng rất rộng lớn, luôn tiềm
ẩn nguy cơ, rủi ro ở mọi lúc, mọi nơi, không có một công cụ, thiết bị nào có thể
dảm bảo, sàng lọc, loại bỏ mọi cạm bẫy trên không gian mạng đối với trẻ em.
Do đó, để có thể
tạo được “hệ miễn dịch số” cho từng nhóm trẻ khi tham gia môi trường mạng,
ngoài các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý và nhà trường, cơ sở giáo dục, cần
có sự đồng hành của phía cha mẹ, gia đình các em. Cần tăng cường hơn nữa việc
giáo dục, huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ sử dụng Internet an toàn, nhận biết
được các thông tin xấu độc, không phù hợp với lứa tuổi. Cha mẹ cần cách thức
giao tiếp, để trẻ sẵn sàng chia sẻ những vấn đề gặp phải trên môi trường mạng, có
biện pháp quản lý, giám sát những thông tin mà trẻ tiếp cận, kịp thời xử lý khi
có vấn đề xảy ra.
Bản thân cha mẹ
cũng cần tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ con em mình trên
môi trường mạng, thường xuyên cập nhật về các phương thức, thủ đoạn tội phạm mạng
nhắm vào trẻ em. Cha mẹ có thể sử dụng các ứng dụng bảo vệ trẻ em trên không
gian mạng như phần mềm CyberPurify Kids giúp phát hiện, chặn lọc các nội dung độc
hại trên Internet theo thời gian thực; GoogleFamilyLink giúp kiểm soát các
thanh toán, tải về và nội dung được hiển thị trên Internet; Kaspersky Safe Kids
giúp chặn quyền truy cập vào các nội dung không phù hợp và giới hạn thời gian sử
dụng. Khi cần thiết có thể sử dụng các ứng dụng hỗ trợ phản ánh, kiểm tra bằng
cách liên hệ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (Hotline: 111) hoặc cơ quan Công
an các cấp.
Việc được tiếp cận,
sử dụng Internet là quyền lợi của trẻ em, do đó phải trang bị đủ kiến thức, kỹ
năng, kinh nghiệm để trẻ có đủ khả năng khai thác quyền lợi này một cách hợp
lý, hợp pháp và đúng định hướng./.