Bảo đảm an ninh kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới
Bảo đảm an ninh kinh tế là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Lực lượng công an được giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong...
Bảo đảm an ninh
kinh tế là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Lực lượng
công an được giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong quá trình này. Hiện nay, nhiệm vụ
bảo đảm an ninh kinh tế đang gặp nhiều thách thức, đòi hỏi phải có những giải
pháp phù hợp để độc lập, chủ quyền và lợi ích kinh tế quốc gia được giữ vững,
các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế sớm được nhận diện và ứng phó hiệu quả.
Để tăng cường bảo
vệ an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,
bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về bảo đảm an ninh kinh tế, cần quán triệt
một số quan điểm có tính nguyên tắc và thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần
quán triệt và thống nhất quan điểm: An ninh kinh tế là phạm trù rất rộng, bao gồm
an ninh năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, lương thực, nguồn nước...,
trong đó có cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Công tác bảo đảm
an ninh kinh tế giữ vai trò trọng yếu, là trung tâm của bảo đảm an ninh quốc
gia; là việc bảo vệ thực hiện đường lối, chính sách phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế
quốc tế; gắn hội nhập quốc tế với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và vai
trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với
bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Bảo đảm an ninh kinh tế là nhiệm vụ
thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, các cấp và toàn dân, trong đó chịu
trách nhiệm chính là cấp ủy, thủ trưởng các ban, bộ, ngành, cấp ủy chính quyền
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân
dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, lực lượng công an giữ
vai trò tham mưu, nòng cốt; là điều kiện “tiên quyết” góp phần tạo tiền đề, môi
trường thuận lợi, an ninh, an toàn cho khởi nghiệp, phát triển nhanh, bền vững
của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
và hội nhập quốc tế của đất nước. Bảo đảm an ninh kinh tế gắn liền với bảo đảm
an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ cán bộ, đảng viên, phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực.
Thứ hai, xác định
rõ yêu cầu của bảo đảm an ninh kinh tế. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc
tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền
vững, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tạo sự chuyển
biến về nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, các ban, bộ, ngành, doanh nghiệp,
chính quyền địa phương và cán bộ, đảng viên, chủ động phát hiện, phối hợp đấu
tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản
động và các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế. Nâng cao hiệu quả công tác bảo
đảm an ninh kinh tế của cơ quan chức năng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động
bình thường của các doanh nghiệp, doanh nhân.
Thứ ba, kết hợp
chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế với bảo đảm
an ninh kinh tế. Theo đó, trong quá trình thực hiện chủ trương phát triển kinh
tế - xã hội, thu hút đầu tư phải quan tâm đến bảo đảm an ninh, trật tự; bảo đảm
an ninh kinh tế là phần không tách rời trong từng chính sách, bước đi, kế hoạch
và trong từng dự án đầu tư phát triển kinh tế. Coi trọng thẩm định các dự án hợp
tác quốc tế, đầu tư nước ngoài trên các địa bàn chiến lược về quốc phòng, an
ninh; giám sát việc thực hiện dự án tại các địa bàn nhạy cảm, biên giới, vị trí
trọng yếu từ thẩm định, cấp phép, thi công.
Thứ tư, tiếp tục
đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, xác định
rõ việc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong mọi
hoạt động kinh tế; bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, nhất trí của bộ
máy tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ các cơ quan, tổ chức kinh tế. Nâng cao trình
độ lý luận chính trị, kinh tế, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, đời sống vật
chất, tinh thần của người lao động. Tuyên truyền, giáo dục, vận động, nâng cao
ý thức cảnh giác về âm mưu, hoạt động phá hoại kinh tế của các thế lực thù địch,
phản động. Kiểm soát chặt chẽ thông tin báo chí và dư luận xã hội gây ảnh hưởng
tiêu cực đến nền kinh tế, nhất là các ngành sản xuất, kinh doanh trọng điểm. Tăng
cường bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo vệ bí mật nhà nước trên lĩnh vực
kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng các cơ quan hoạch định chính sách. Thực hiện
nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước về quan hệ, tiếp xúc của cán bộ, đảng
viên ở các cơ quan, đơn vị kinh tế với các đối tác nước ngoài.
Thứ năm, tăng cường
đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn lợi dụng kinh tế để làm tổn hại, suy giảm
tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, chuyển hóa chính trị, tạo sự lệ thuộc, xâm
phạm lợi ích quốc gia - dân tộc và an ninh quốc gia; phát hiện, xử lý kịp thời
các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước về an ninh kinh tế. Bảo đảm việc thực hiện nghiêm các quy định của
pháp luật về quản lý ngân sách, đầu tư công, tài sản công, bảo đảm an toàn nợ
công, an ninh tài chính quốc gia, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ bí mật
nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan
dân cử đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh kinh tế.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực thực thi pháp luật
về bảo vệ an ninh kinh tế, nhất là các vấn đề liên quan đến môi trường, đất
đai, ứng phó với biến đổi khí hậu./.