Tính tất yếu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta
Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế đặc thù trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, chưa có tiền lệ trong nền kinh tế ...
Kinh tế thị trường định
hướng XHCN là mô hình kinh tế đặc thù trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam,
chưa có tiền lệ trong nền kinh tế thế giới. Phát triển nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đó là kết
quả của quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vận dụng sáng tạo
quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc
những thành tựu, kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển kinh tế thị trường của các
nước trên thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Các thế lực thù địch
xuyên tạc rằng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chỉ
là sự lắp ghép cái đuôi xã hội chủ nghĩa vào “cơ thể” kinh tế thị trường vốn có
của chủ nghĩa tư bản. Đó là kết hợp giữa “nước” và “lửa” nên là không thể. Phát
triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực chất là Việt Nam đang
“âm thầm xoay trục” theo con đường tư bản chủ nghĩa. Do vậy, nhận diện, đấu tranh
phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay.
Các thế lực thù địch còn
cho rằng, phải có sự chuyển hướng, “xoay trục” phát triển kinh tế thị trường ở
Việt Nam, theo nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, vì kinh tế thị trường vốn
là của chủ nghĩa tư bản, vận động theo các quy luật của chủ nghĩa tư bản, không
thể dung hòa và kết hợp với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, với định hướng xã
hội chủ nghĩa. Nếu “ghép” định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường
thì chẳng khác nào “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, “nước với lửa”, tạo thành “đầu
Ngô mình Sở”, chỉ mang đến những thất bại. Chúng suy diễn rằng, dường như Việt
Nam đã, đang “xoay trục” sang phát triển kinh tế thị trường theo hướng tư bản
chủ nghĩa bằng việc khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, tăng sự điều tiết
của thị trường, mặc dù vẫn tuyên truyền bằng cách sử dụng các từ ngữ, khái niệm
của chủ nghĩa xã hội.
Những luận điệu trên thực
chất là mưu đồ đen tối, cố tình xuyên tạc đường lối phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; gây tâm lý hoài nghi, dao động,
thiếu niềm tin trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng đến sự
thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội. Đây là những luận điệu
hết sức phản khoa học, không có cơ sở lý luận và thực tiễn.
Các thế lực thù địch, phần
tử cơ hội chỉ căn cứ vào việc phát triển kinh tế tư nhân và điều tiết kinh tế bằng
các quy luật của thị trường trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội để quy
chụp Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa là sai lầm, chưa thấy hết được
những nguyên tắc, bản chất, nội dung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong
từng giai đoạn cũng như trong cả chặng đường. Luận điệu này là phi thực tiễn và
chưa hiểu bản chất và nội dung của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam khi đồng nhất một nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể của một giai đoạn, một bước đi
trong xây dựng chủ nghĩa xã hội với toàn bộ mục tiêu chung, mô hình tổng quát
và nguyên tắc, bản chất trong cả chặng đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam. Việc xác định một nền kinh tế là “chủ nghĩa xã hội” hay “tư bản chủ nghĩa”
không thể dựa vào tiêu chí về kinh tế tư nhân hay sự điều tiết của thị trường,
mà quan trọng hơn là phải dựa vào tiêu chí về mục tiêu phát triển nền kinh tế;
bản chất, nguyên tắc hoạt động của nền kinh tế; quá trình hình thành, phát triển
của nền kinh tế,... Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam từng bước được hoàn thiện, phát triển qua các kỳ đại hội của Đảng Cộng sản
Việt Nam trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vận dụng sáng tạo
những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có
chọn lọc những quan điểm, kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển kinh tế thị trường
của các nước có nền kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới. Nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế đang ở trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội nên tất yếu tồn tại nhiều hình thức sở hữu, nhiều
thành phần kinh tế nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển, trong đó kinh tế
tư nhân là một động lực quan trọng. Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển
ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, bình đẳng trước pháp luật,
với các thành phần kinh tế khác. Tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế tư nhân
nhưng không đồng nhất với “tư nhân hóa” nền kinh tế trong nền kinh tế nước ta;
kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng
để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy
phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển
nền kinh tế thị trường. Do đó, tuyệt đối không có cái gọi là “xoay trục” hay
“chuyển hướng” trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam như luận điệu
xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Đại hội XIII của Đảng
nêu cụ thể: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của
nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền KTTT hiện đại,
hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật thị trường, có sự
quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm
định hướng XHCN vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”
phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Thực tiễn hơn 35 năm đổi
mới, phát triển nền kinh tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý
nghĩa lịch sử. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín
quốc tế như ngày nay. Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực
và trên thế giới; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được
nâng lên rõ rệt; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở
mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể; huy động các
nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh, đầu tư khu vực ngoài nhà nước
tăng nhanh và chất lượng, hiệu quả được cải thiện... Nhiều tổ chức quốc tế uy
tín đánh giá, Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế
giới; là điểm sáng trên toàn cầu trong việc thực hiện thành công “mục tiêu
kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm
an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Những kết quả đó là minh chứng thuyết phục,
tự nó đanh thép phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về
phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta./.