Mỗi cán bộ, đảng viên CAND làm gì để đấu tranh trên không gian mạng?

  Mạng xã hội ngày nay là một phần không thể thiếu của cuộc sống con người. Tuy nhiên, không gian mạng cũng có nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ...

 


Mạng xã hội ngày nay là một phần không thể thiếu của cuộc sống con người. Tuy nhiên, không gian mạng cũng có nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn mà chúng ta - nhất là cán bộ, đảng viên CAND cần phải khắc phục và sử dụng nó một cách hiệu quả nhất để bảo vệ, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ðồng thời, tuyên truyền, lan toả rộng rãi sự đúng đắn của nền tảng tư tưởng của Ðảng.

Cán bộ, đảng viên ở đâu trên không gian mạng?

Bắc Kạn là tỉnh miền núi với hơn 88% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ nhận thức không đồng đều, nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại. Lợi dụng đặc điểm đó, các phần tử xấu tăng cường hoạt động dụ dỗ, lôi kéo, kích động đồng bào, phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 1-6-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về tổ chức đấu tranh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, LLVT tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức các đội công tác đến cơ sở nắm chắc tình hình, hoạt động của các đối tượng cầm đầu, cốt cán; tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh với các đối tượng cầm đầu lợi dụng để dựng, tái dựng nhà đòn và vận động các hộ theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình ký cam kết từ bỏ. Đến nay, 100% hộ gia đình và người dân trên địa bàn tỉnh ký cam kết từ bỏ, không tham gia tổ chức bất hợp pháp này. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc lợi dụng vấn đề này trên không gian mạng để lôi kéo, kích động đồng bào là thực tế đang diễn ra.

Tính đến tháng 4/2024, số tài khoản dựa trên số thuê bao của người dùng của Bắc Kạn là 303.624 thuê bao. Hiện chưa có con số thống kê chính xác về số lượng cán bộ, đảng viên tham gia và sử dụng internet và mạng xã hội, tuy nhiên trong số hơn 36.800 đảng viên của Bắc Kạn, có thể thấy phần lớn đều đã tham gia, sử dụng internet và mạng xã hội. Với một lực lượng sử dụng mạng xã hội lớn như vậy, việc ứng xử trên mạng xã hội và đấu tranh trên không gian mạng là vấn đề cần được triển khai sâu rộng, có hiệu quả cho mỗi cán bộ, đảng viên và đội ngũ CAND từ tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh một số ít cán bộ, đảng viên mạnh dạn đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin, hình ảnh từ các trang chính thống thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về một vấn đề nào đó thì vẫn còn đại đa số người thờ ơ, phớt lờ những vấn đề xã hội đang quan tâm. Đối với những bài viết hay, tích cực, nguồn dẫn chính thống đàng hoàng nhưng cũng không thấy họ tham gia chia sẻ, bình luận, tương tác bài. Hay đối với những thông tin tiêu cực, bức xúc, xã hội đang quan tâm cũng chẳng hề có phản ứng. Chúng ta đang thờ ơ với quan điểm "không phải việc của mình, không tham gia" hay với tâm lý "hóng hớt việc thiên hạ" hoặc do không đủ khả năng phản bác, ngại va chạm với các thế lực "ảo" trên mạng internet? Vậy cán bộ, đảng viên ở đâu trên không gian mạng?

Hiện nay, có 6 mạng xã hội phổ biến nhất toàn cầu hiện tại gồm Facebook, Instagram, TikTok, WhatsApp, Twitter và Youtube. Theo kết quả khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore), trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và Youtube nhiều nhất thế giới - Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9. Tính đến hết tháng 5-2023, Facebook có 2,99 tỉ người dùng - qua đó trở thành mạng xã hội có số tín đồ lớn nhất toàn cầu. Việt Nam cũng nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook nhiều nhất thế giới với 66,2 triệu tín đồ.

Những con số này cho thấy, rõ ràng tiện ích mà mạng xã hội và internet mang lại cho con người. Song không thể phủ nhận sự thực rằng, hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội chính trị đã và đang tăng cường tán phát các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội nhằm phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là lực lượng vũ trang. Theo đánh giá chung của Ban Tuyên giáo Trung ương, thời gian qua, các thế lực phản động, thù địch đã tập trung viết nhiều tin, bài, xây dựng, biên tập các hình ảnh, video phát tán trên mạng xã hội nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào mục tiêu, con đường tiến lên CNXH. Xuyên tạc, phủ nhận quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta hiện nay, nhất là đường lối đổi mới của Đảng ta, đòi đổi mới chính trị gắn với thay đổi chế độ chính trị; phủ nhận, bôi đen những thành tựu trong quá trình đổi mới, xây dựng CNXH của đất nước ta; cổ súy phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, chia rẽ QĐND với CAND, chia rẽ Quân đội, Công an với nhân dân. Lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… để chống phá cách mạng Việt Nam.

Đấu tranh trên không gian mạng – trách nhiệm không của riêng ai

Sau hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) và hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, giữ vững trận địa an ninh tư tưởng, tạo được dư luận xã hội tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân; trong đó có vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên CAND. Đi đôi với tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch một cách kịp thời, hiệu quả, cán bộ, đảng viên CAND còn chủ động truyền tải các thông tin tích cực, tạo nên môi trường thông tin lành mạnh, góp phần ổn định dư luận, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng.

Năm 2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Bắc Kạn được thành lập nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng trên địa bàn. Từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Kạn đã điều tra, khám phá 02 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gồm: 01 vụ sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook để mua dê rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 01 vụ sử dụng mạng xã hội Facebook để thực hiện hành vi lừa đảo với chiêu trò đăng bài viết thanh lý đồ điện gia dụng như: Tủ lạnh, tủ đông và hải sản…, sau đó yêu cầu chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Ngoài việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Kạn còn có nhiệm vụ quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, định hướng và tăng cường đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, cán bộ, chiến sĩ, đảng viên CAND cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung.

Một là, bên cạnh việc chấp hành nghiêm những điều cán bộ, đảng viên không được làm, chấp hành nội quy tốt, quy chế của cơ quan đơn vị mình. Cá nhân mỗi cán bộ, Đảng viên đều nghiêm túc kiến tạo niềm tin và truyền đi những động lực tích cực cho nhân dân. Tuân thủ nghiêm kỷ luật phát ngôn, tinh thần tự chịu trách nhiệm khi cung cấp, phát tán, đăng tải thông tin của cá nhân và những quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Hai là, thường xuyên tuyên truyền, lan tỏa những thông tin tốt đẹp, giá trị tích cực; Chia sẻ nhiều hơn nữa gương người tốt việc tốt, những mô hình, cách làm hay cần nhân rộng; Tuyên truyền phổ biến những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các nền tảng mạng xã hội mà mình tham gia.

Ba là, khi tham gia mạng xã hội cán bộ, đảng viên CAND phải trang bị kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, khi phát hiện thông tin xấu - độc, thù địch, phản động trên không gian mạng phải quyết liệt đấu tranh phản bác, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng.

Bốn là, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong nghiêm túc quán triệt thực hiện việc định hướng tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên CAND. Tránh tình trạng cán bộ, đảng viên “vô tình” phát tán những thông tin xấu độc được che đậy bằng những ngôn từ hoa mĩ hoặc những luận điệu dễ nhầm lẫn.

Ngoài ra, các cán bộ, đảng viên CAND cần thực hiện nghiêm Quy định số 102-QÐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó quy định rõ những hành vi vi phạm kỷ luật liên quan đến mạng xã hội như: "Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Ðảng" (điểm g, mục 3, Ðiều 7); "Trả lời phỏng vấn, cho đăng tải tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội có nội dung sai sự thật, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử" (điểm e, mục 2, Ðiều 10) với hình thức kỷ luật cao nhất đối với các vi phạm này là khai trừ ra khỏi Ðảng.

Trong giai đoạn hiện nay, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Không thể có suy nghĩ rằng, Bắc Kạn còn khó khăn thì việc lan truyền các thông tin xấu độc sẽ ít hơn các địa phương khác. Do vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải xác định vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu đi đầu khi tham gia mạng xã hội, từ đó góp phần vào công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, từng bước làm thất bại âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động trên mặt trận tư tưởng./.

Related

Luận bàn 4861516049051269612

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item