QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT: QUYẾT LIỆT ĐẤU TRANH CÁC LOẠI TỘI PHẠM GÂY BỨC XÚC TRONG XÃ HỘI

  Thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội nhận định tình ...

 

Thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội nhận định tình hình vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực có giảm là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, một số tội phạm phát sinh mới, một số tội phạm tinh vi hơn trước. Do đó, đề nghị tập trung đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm gây bức xúc trong xã hội.

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu bày tỏ sự tán thành đối với nhiều nội dung của các báo cáo, đồng thời đánh giá cao ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, đa số các đại biểu ghi nhận, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự; kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Nhiều vụ án lớn, phức tạp về kinh tế, tham nhũng được phát hiện, giải quyết kịp thời, đáp ứng mong mỏi của người dân.

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật. Về tổng thể, vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,69%, trong đó tội phạm có tổ chức, tội hiếp dâm, tội phạm xâm phạm sở hữu cũng có chiều hướng giảm. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đây là "tín hiệu mừng".

Bên cạnh những kết quả tích cực, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra một số loại tội phạm gia tăng khiến cử tri lo lắng, dư luận xã hội bức xúc.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực chưa phản ánh hết tương xứng với tình hình thực tế, như tội phạm đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sử dụng Internet.

Đại biểu cho biết, phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra khá phổ biến nhưng vụ việc phát hiện, xử lý còn chưa nhiều, việc quản lý các đối tượng, đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm của lực lượng chức năng tại một số địa phương có thời điểm buông lỏng, dẫn đến một số băng nhóm hoạt động trong một thời gian dài nhưng chậm phát hiện. Xử lý công tác quản lý trên mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội vẫn còn hạn chế, chưa được kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả. Tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giam, tạm giữ vẫn còn xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông tăng, cháy nổ còn nhiều, vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu rõ, một số loại tội phạm tiếp tục gia tăng là nhóm các loại tội phạm về trật tự xã hội liên quan đến sự suy đồi đạo đức, xuống cấp đạo đức xã hội. Cụ thể là tội cưỡng dâm người từ 13 đến 16 tuổi tăng cả số vụ và số đối tượng; tội dâm ô với người 16 tuổi cũng tăng cả số vụ và số đối tượng; tội giết người, tội giết người thân, mua bán người cũng tăng cả số vụ và số đối tượng. Đặc biệt là trong số các vụ mua bán người không hiếm những vụ mua bán trẻ em mà người thực hiện hành vi bán trẻ em lại chính là các bậc cha mẹ của các em.

Đại biểu nhấn mạnh đây là vấn đề vô cùng nhức nhối, khi tính mạng của con người bị coi thường, khi nhân phẩm của con người bị chà đạp, khi con người bị một số đối tượng hám lợi trước mắt, bất chấp quy định và đạo đức mua đi, bán lại như một món hàng thì hệ lụy khủng khiếp của nó không chỉ nằm ở chỗ gây thiệt hại về kinh tế, về tính mạng con người mà còn là những tác động vô cùng xấu tới đạo đức và tâm lý xã hội.

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và đáng báo động. Nêu thực tế này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, đây là một trong những tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại cho xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức, mà còn gây ra tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý, rất khó khắc phục với nạn nhân. Vì thế, cần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả hơn, là công cụ hữu hiệu nhất trong hoạt động bảo vệ quyền trẻ em. Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các cơ quan có liên quan cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, tăng mạnh các chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại trẻ em nhằm tạo ra "lá chắn" pháp lý vững chắc, bảo vệ trẻ em trước các hành vi xâm hại.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Bức xúc trước hàng loạt vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra thời gian qua, con giết bố, chồng giết vợ, anh giết em, gần đây nhất là vụ việc 3 cô con gái dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ, đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn băn khoăn phải chăng những giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam là luôn biết ơn "công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy" hay tình cảm "anh em như thể tay chân" đã không còn được coi trọng, hay là do các quy định của pháp luật còn chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe để các đối tượng bất chấp luân thường đạo lý, coi thường pháp luật mà phạm tội.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho biết, tội phạm giết người thời gian qua đã tăng 13,17%, tăng cả về số vụ và đối tượng giết người, đặc biệt xảy ra một số vụ giết người mà nạn nhân là người thân tăng 4,83%. 

Nhấn mạnh, tội giết người là một trong những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, hơn nữa đây còn là các vụ án mà nạn nhân là người thân, mỗi vụ án xảy ra đều quá xót xa, đại biểu cho rằng các cơ quan chức năng và toàn xã hội cần phải có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an đánh giá nguyên nhân dẫn đến gia tăng cả về số vụ và đối tượng giết người, nhất là các vụ việc mà nạn nhân là người thân trong gia đình để có các biện pháp hữu hiệu hơn nữa trong đấu tranh phòng ngừa, đánh giá về chế tài xử phạt đối với đối với tội giết người trong các quy định của pháp luật hiện hành liệu đã đủ sức răn đe loại tội phạm nguy hiểm này hay chưa.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực giảm là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, có loại tội phạm phát sinh mới như giết người do ghen tuông, tình ái, án mạng trong gia đình, băng nhóm xã hội đen có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là mua bán người, cho vay nặng lãi, sử dụng mạng viễn thông hoạt động phi pháp gây bức xúc trong nhân dân. 

Ngoài ra còn có một số tội phạm tuy giảm nhưng hoạt động rất tinh vi hơn trước, tiềm ẩn nguy cơ cho xã hội như ma túy, cướp tài sản, cá độ trên không gian mạng, hiếp dâm, xâm hại trẻ em. Tai nạn giao thông có giảm về số vụ nhưng số người chết, bị thương tăng rất cao, cá biệt xảy ra các vụ cháy, nổ, số người chết tăng đáng kể. Tội phạm buôn lậu xuất nhập khẩu xăng dầu diễn biến rất phức tạp ở các tuyến biên giới….

Từ những phân tích trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ;  xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt trong thực thi công vụ. 

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là các tầng lớp Nhân dân, truyền thông, báo chí trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trong việc tham gia phòng chống tội phạm, ý thức thượng tôn pháp luật, nhất là giáo dục nhận thức về pháp luật cho giới trẻ trong nhà trường và ngoài xã hội./.

quochoi.vn

Related

Trong nước 1286983300022316200

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item