Hồi âm sau bài Mùa xuân Arab: Cần thiết lập trật tự thông tin và văn hóa trên mạng xã hội
Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Sau loạt bài “Mùa xuân Arab – 10 năm nhìn lại”, ông Hồ Quang Lợi, Phó c...
Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt
Nam.
Sau loạt bài “Mùa xuân Arab – 10 năm nhìn lại”, ông Hồ Quang
Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã có cuộc trao đổi về những
vấn đề xung quanh loạt bài, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập trật
tự thông tin và văn hóa trên mạng xã hội, cũng như trách nhiệm của người làm
báo trong thời đại truyền thông hiện nay.
“Mùa xuân Arab”: Cuộc tập hợp mau lẹ và bất thường thông qua
mạng xã hội
Đề cập vai trò của mạng xã hội trong việc thổi bùng lên ngọn
lửa bất bình, tàn phá nhiều nước Bắc Phi-Trung Đông mười năm về trước, ông Hồ
Quang Lợi cho biết, “Mùa xuân Arab” bắt đầu từ một sự việc có thể nói là không
có gì là to lớn, chỉ vì một thanh niên bán hàng rong bị cảnh sát đánh đập rất
tàn nhẫn. Người thanh niên này châm lửa tự thiêu và từ ngọn lửa đó nhanh chóng
trở thành một cơn biến loạn từ Tunisia sang nhiều nước trong thế giới Arab. 18
trên tổng số 24 nước thuộc khu vực Bắc Phi-Trung Đông đã rơi vào vòng xoáy của
một cuộc biến loạn xã hội. Điều đáng chú ý của cuộc xuống đường mang tên “Cách
mạng hoa nhài” này chính là một cuộc tập hợp mau lẹ và có thể nói là bất thường
chưa từng có của lớp trẻ, với phương tiện là mạng xã hội.
Mạng xã hội trở thành một phương tiện kết nối các lực lượng
trong xã hội, đặc biệt là lớp trẻ từ nước này sang nước khác, nó trở thành làn
sóng, một cơn gió nóng kỳ lạ chưa từng có và góp phần làm thay đổi bản đồ quyền
lực ở khu vực Bắc Phi-Trung Đông. Có thể nói, đó là một cuộc biến động chính trị-xã
hội chưa từng có ở các nước Bắc Phi-Trung Đông và lan truyền sang những khu vực
khác trên thế giới. Không có xung đột về ý thức hệ, nguyên nhân chủ yếu là đói
nghèo, bất công xã hội, những vấn đề nội tại bên trong của từng đất nước không
được giải quyết, dồn nén nhiều năm dẫn đến mâu thuẫn rồi phát triển thành xung
đột và trở thành cuộc biến động lật đổ chính quyền.
Nhà báo phải có trách nhiệm và chuẩn mực khi tham gia mạng
xã hội
Từ câu chuyện của Tunisia, của Ai Cập và nhiều nước ở Bắc
Phi-Trung Đông nhìn rộng ra thế giới trong vòng 10 năm qua, soi chiếu vào tình
hình của Việt Nam có thể thấy, việc quản lý mạng xã hội là một vấn đề rất lớn
mà chúng ta phải đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh việc phát huy những tính năng, những tiện ích vô
cùng quan trọng của mạng xã hội, chúng ta phải kiểm soát, ngăn chặn những hiệu ứng
tiêu cực, những hệ lụy mà mạng xã hội có thể tác động đến xã hội, đặc biệt là đối
với lớp trẻ.
Ông Hồ Quang Lợi cho rằng, để làm được điều đó, cần nhiều biện
pháp mang tính tổng thể, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương,
cũng như các tổ chức chính trị-xã hội. Ngay cả trong từng gia đình cũng phải có
biện pháp để mỗi thành viên đều phải có ý thức sâu sắc làm sao để mạng xã hội
phục vụ cho những mục đích tốt đẹp, không gây những hậu quả mà chúng ta đã nhìn
thấy nhãn tiền ở nơi này, nơi kia và chính trong xã hội Việt Nam của chúng
ta.
Hội Nhà báo Việt Nam là một tổ chức chính trị-xã hội nghề
nghiệp của giới báo chí cả nước và việc các nhà báo tham gia vào mạng xã hội là
một thực tế và cần thiết. Nhưng người làm báo khi tham gia mạng xã hội cần phải
có tinh thần trách nhiệm như khi viết bài trên tờ báo chính thức.
“Viết hay đăng tải bài ở đâu, nhà báo vẫn là người làm công
tác chính trị, tư tưởng, là chiến sĩ tiên phong của Đảng trên mặt trận văn hóa
tư tưởng”, ông Hồ Quang Lợi khẳng định.
Mạng xã hội là nơi mà nhà báo có thể có ảnh hưởng, nơi nhà
báo luôn luôn có trách nhiệm cung cấp những thông tin chính xác, tin cậy và những
thông tin có tính định hướng đối với xã hội. Nhà báo phải thể hiện vai trò trên
mạng xã hội theo Mười điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Trong đó, điều 5 của Quy định này chỉ rõ: Nhà báo phải trách nhiệm và chuẩn mực
khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Trên cơ sở của
quy định này, Hội Nhà báo Việt Nam đã cụ thể hóa để xây dựng quy tắc sử dụng mạng
xã hội của người làm báo. Những quy định và quy tắc này đã được ban hành và thực
hiện trong những năm qua. Đây là hai văn bản rất quan trọng, góp phần từng bước
thiết lập văn hóa trên mạng xã hội, giúp nhà báo trong thời đại truyền thông
làm nghề một cách chuẩn mực và trách nhiệm, theo phương châm khách quan, công
tâm, tôn trọng sự thật. Nhà báo làm nghề vì lợi ích của đất nước và nhân dân,
thể hiện phẩm chất của mình trên tờ báo chính thức cũng như trên mạng xã hội.
Những năm qua, các thế lực thù địch luôn luôn sử dụng mạng
xã hội để tác động vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước. Nếu
không có các biện pháp ngăn chặn và quản lý hiệu quả mạng xã hội, thì những
thông tin xấu độc, có hại cho đời sống xã hội và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất
nước sẽ tiếp tục được phát tán và lan truyền trên không gian mạng. Nhà báo cũng
cần phát huy vai trò trong đấu tranh phản bác lại những thông tin xấu độc, bịa
đặt, những luận điệu xuyên tạc trên mạng xã hội.
Nhà báo phải có trách nhiệm phát huy tính chiến đấu của báo
chí nhằm thiết lập trật tự thông tin tin cậy. Mạng xã hội dù có phát triển đến
đâu, giữa báo chí và mạng xã hội luôn có sự tương tác mà chúng ta thấy rõ là
báo chí không thể vượt trội, không thắng được mạng xã hội về tốc độ đưa tin
nhưng báo chí sẽ vượt trội mạng xã hội bằng tính chuẩn mực, tinh thần trách nhiệm
và đạo đức làm nghề của người làm báo. Với một tinh thần trách nhiệm như vậy,
báo chí sẽ trở thành lực lượng tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng; đấu
tranh phản bác mọi luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc trên mạng xã hội, góp
phần xây dựng một đời sống thông tin ngày càng lành mạnh, từ đó thúc đẩy sự
phát triển của xã hội và đất nước chúng ta./.
https://huongsenviet.com/hoi-am-sau-bai-mua-xuan-arab-4-can-thiet-lap-trat-tu-thong-tin-va-van-hoa-tren-mang-xa-hoi/