Từ “Mùa xuân Arab” : Bài học về xây dựng quân đội
Hiện nay, xuất hiện nhiều luận điệu kêu gọi chúng ta nên thực hiện “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” quân đội. Trong thể chế tư bản chủ ngh...
Hiện nay, xuất hiện nhiều luận điệu kêu gọi chúng ta nên thực hiện “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” quân đội. Trong thể chế tư bản chủ nghĩa, quân đội nhiều nước được xây dựng theo mô hình đội quân nhà nghề với mục tiêu, cách thức hoạt động hoàn toàn khác với Quân đội nhân dân Việt Nam. Song nhìn từ sự thất bại, sụp đổ của một số chính quyền trong “Mùa xuân Arab” cho chúng ta có thêm những bài học thực tiễn sinh động khẳng định tính đúng đắn của chủ trương, đường lối xây dựng Quân đội ta hiện nay.
Vài nét đặc thù về
quân đội các nước Arab
Quân đội của hầu hết các quốc gia Arab đóng vai trò đặc biệt
quan trọng trong bộ máy quyền lực do đặc điểm lịch sử và chế độ chính trị. Sau
Chiến tranh thế giới lần hai đã định hình vai trò của quân đội trong các diễn
biến chính trị. Quân đội trở thành trung tâm quyền lực của nhà nước và cũng là
lực lượng tổ chức hàng loạt cuộc đảo chính vũ trang. Theo thống kê của trang
Defense News, trong 22 năm, từ năm 1949 đến 1971, giới quân sự đã tiến hành 8
cuộc đảo chính ở Syria và 3 cuộc đảo chính ở Iraq. Việc giới quân sự nắm chính
quyền góp phần quyết định sự ổn định tình hình kinh tế-xã hội và loại bỏ mâu
thuẫn sắc tộc, tôn giáo.
Nhiều nguyên thủ quốc gia ở Bắc Phi và Trung Đông xuất thân
là sĩ quan chỉ huy cao cấp trong quân đội, như các cựu Tổng thống Ai Cập
Mohamed Naguib, Gamal Hussein, Anwar Al-Sadad và Hosni Mubarak, hay Tổng thống
Libya Muammar Gaddafi. Tổng thống Ai Cập hiện nay Abdel Fattah el-Sisi từng là
sĩ quan cấp tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và phần lớn quan chức các bang, bộ,
ngành đều từng là tướng lĩnh quân đội. Vì vậy, một điều dễ hiểu là quyền lực thực
sự của nhà nước thường tập trung trong tay các chỉ huy quân đội.
“Phi chính trị hóa”
quân đội – sự nguy hiểm khi có chính biến
Bạo loạn, lật đổ theo mô hình phản kháng phi bạo lực là cách
mà nhiều cuộc cách mạng màu đã sử dụng và nó đã được áp dụng triệt để trong
“Mùa xuân Arab”. Trong đó, người dân được sử dụng như những chiến binh trên chiến
trường để loại bỏ chính thể một quốc gia sở tại theo học thuyết chính trị “Phản
kháng phi bạo lực” của chuyên gia bất bạo động người Mỹ Gene Sharp. Trong “Mùa
xuân Arab”, người dân bị lợi dụng như “những chiến sĩ cách mạng”, còn “vũ khí”
là chiến tranh tâm lý và chiến tranh thông tin.
Vòng xoáy chiến tranh diễn ra khắp khu vực sau Mùa xuân
Arab. Ảnh: The New York Times.
Tại Tunisia, quân đội gần như có truyền thống không can dự
vào chính sự quốc gia. Chính quyền Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali khi đó
không chú trọng xây dựng quân đội như đối với cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm.
Khi biểu tình bạo loạn xảy ra, tướng Rashid Ammar-chỉ huy quân đội, chủ trương
đáp ứng những thay đổi theo yêu cầu của “các chiến sĩ cách mạng đường phố” hơn
là bảo vệ chế độ cầm quyền của Tổng thống Ben Ali. Do đó, khi chính biến xảy
ra, Tổng thống Ben Ali đã phải bỏ chạy ra nước ngoài. Một trong những nguyên
nhân sâu xa là do ở quốc gia này, trong 3 thập niên làm tổng thống (1957-1987),
ông Habib Bourguiba đã cấm binh lính không tham gia chính trị. Thậm chí, cấm
binh lính tham gia đảng cầm quyền. Sau đó, chính quyền của ông Ben Ali cũng
chưa đầu tư nhiều cho xây dựng quân đội, ngân sách đầu tư còn eo hẹp.
Ở Ai Cập trước đây, ban đầu quân đội thể hiện sự trung thành
mạnh mẽ và giữ vị thế trung lập trước các cuộc biểu tình trên quảng trường
Tahrir ở Cairo. Ngày 7-2-2011, trên Tạp chí Foreign Affairs, phóng viên Joshua
Stacher đã viết: “Trong suốt mười ngày qua, nhà nước Ai Cập vẫn chưa phải chứng
kiến sự sụp đổ của chế độ”. Nhưng về sau, quân đội đã không giữ được sự kiên
trung đó. Trên một số xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép xuất hiện khẩu hiệu
“Quân đội đứng về phía người biểu tình”. Trước sức ép của làn sóng biểu tình nhận
được sự ủng hộ của giới quân sự, Tổng thống Mubarak buộc phải tuyên bố từ chức
và trao quyền lãnh đạo đất nước cho Hội đồng quân sự tối cao.
Tư nhân hóa, dân sự
hóa quân đội – cái giá phải trả
Đối với trường hợp Libya, cơ cấu của các lực lượng vũ trang
nước này khác hẳn với các quốc gia khác. Trong khi tiềm lực kinh tế rất mạnh
nhưng quân đội Libya chỉ với 50.000 người lại không được hiện đại hóa, trang bị
lạc hậu. Một trong những sai lầm của Tổng thống Gaddafi chính là chỉ ưu tiên đầu
tư cho các lực lượng tinh nhuệ và bán quân sự là người thân tín, họ hàng của
mình, thậm chí tuyển dụng lính đánh thuê ở nước ngoài. Quân đội đã thiếu sự gắn
kết và có dấu hiệu chia rẽ ngay từ đầu thời kỳ “Mùa xuân Arab” xảy ra. Liên tiếp
diễn ra các vụ đào tẩu của sĩ quan và binh lính. Chỉ khoảng một tuần sau cuộc
can thiệp quân sự của NATO, đã có 6.000 binh sĩ Libya (chiếm 12% quân số) rời bỏ
hàng ngũ, và con số này tăng lên 40.000 quân (80%) chỉ sau hai tháng. Vì vậy,
quân đội mất sức chiến đấu, không đủ sức chống đỡ các đợt tấn công quân sự từ
bên ngoài. Kết cục là Tổng thống Gaddafi bị sát hại, đất nước rơi vào nội chiến,
chia rẽ kéo dài, đến nay vẫn chưa thành lập được chính phủ chuyển tiếp.
Ở Yemen, trên thực tế, quân đội bị phân chia thành nhiều đơn
vị riêng biệt dưới quyền chỉ huy của những người thân tín trong dòng họ của cựu
Tổng thống Ali Abdullah Saleh, những người cùng bộ lạc và thành phần thân tín với
ông. Những đơn vị này sẵn sàng sử dụng bạo lực để đàn áp người biểu tình. Trong
khi đó, một số sư đoàn và đơn vị quân đội thuộc các quân khu nắm quyền lại chủ
trương ủng hộ “những người biểu tình ôn hòa”. Chính vì vậy, “Mùa xuân Arab” ở
Yemen đã dẫn tới các hành động đổ máu. Trước sức ép dữ dội của các cuộc biểu
tình, Tổng thống Saleh buộc phải tuyên bố từ chức.
Vai trò của quân đội ở
quốc gia ngăn chặn thành công “Mùa xuân Arab”
Israel là một trong số rất ít quốc gia ngăn chặn thành công
“Mùa xuân Arab”, tất nhiên không chỉ do xây dựng quân đội mà còn từ nhiều vấn đề
ngoại giao và chính sách khác, song TS Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu
chiến lược ngoại giao (Học viện Ngoại giao) phân tích: Israel đã tư duy chiến
lược theo hướng ngoại giao đi trước một bước, tạo thế trận “phòng thủ từ xa” và
có năng lực quốc phòng dựa trên công nghệ cao với sức mạnh răn đe đáng kể từ
bên trong.
Từ năm 1948 đến nay, Israel đã học tập mô hình huy động lực
lượng quốc phòng toàn dân với quân đội thường trực là xương sống và lực lượng dự
bị làm chủ lực. Năm 1959, Israel ban hành luật nghĩa vụ quân sự, chính thức thực
hiện thể chế quốc phòng “toàn dân làm lính, huy động nhanh chóng”. Israel đã
xây dựng hơn 20 bộ luật liên quan đến công tác “toàn dân làm lính, động viên
toàn quốc”. Theo luật của Israel, 3 lần/năm, tất cả công dân, ngoại trừ vì lý
do tôn giáo và sức khỏe, không phân biệt giới tính, phải thực hiện nghĩa vụ
quân sự ở độ tuổi 18. Sau khi tốt nghiệp trung học, trước tiên họ phải phục vụ
quân đội. Học thuyết an ninh quốc gia mới của Israel làm nổi bật 4 nguyên tắc
cơ bản: Chiến bại ắt diệt vong, phòng thủ tích cực, coi trọng răn đe để tránh
chiến tranh, đánh nhanh thắng nhanh…
Đó là những nền tảng hết sức quan trọng giúp nước này ngăn
chặn thành công “Mùa xuân Arab” từ những ngày đầu tiên. Theo nghiên cứu “Israel
và Mùa xuân Arab” của tác giả Benedetta Berti, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF)
có quan điểm thống nhất với Chính phủ Israel đối với tiến trình “lây lan” của
“Mùa xuân Arab” kể từ khi bùng phát tại Tunisia. Nhằm chuẩn bị phản ứng tốt nhất,
quân đội Israel đã phân tích các cuộc biểu tình ở Tunisia và đặc biệt chú ý đến
trường hợp của Ai Cập lúc đó để rút ra bài học cho riêng mình. Quân đội Israel
cũng chuẩn bị kế hoạch đối phó với khả năng xảy ra như ở Lebanon và một số khu
vực trên bán đảo Sinai khi một số nhóm lợi dụng tình hình rối ren, hỗn loạn và
mất an ninh trong nước để lập các cơ sở chống đối hay xây dựng các đường dây
buôn lậu vũ khí xuyên quốc gia, qua đó tiếp tay cho lực lượng chống chính phủ.
Ngoài ra, IDF cũng yêu cầu chính phủ tăng ngân sách cho quân
đội, kéo dài tạm thời thời gian nghĩa vụ bắt buộc cũng như thành lập các đơn vị
phản ứng nhanh mới nhằm giúp lực lượng này luôn có đủ nhân lực và nguồn lực để
hỗ trợ chính phủ trong trường hợp xảy ra các vụ biểu tình thành bạo loạn. Hơn hết,
quân đội Israel cũng bắt đầu chú ý đến lĩnh vực không gian mạng sau khi nhận thấy
mạng xã hội hay internet có thể làm “điên đảo” tình hình chính trị cũng như lôi
kéo dư luận theo hướng bất lợi cho thể chế các nước láng giềng.
Chủ động đối phó với
“chiến tranh phi quy ước”
“Mùa xuân Arab” còn cho chúng ta thấy sự nguy hiểm của “chiến
tranh phi quy ước”. Năm 1962, Tổng thống Mỹ J.Kennendy đã nêu ra khái niệm “chiến
tranh phi quy ước”, cho rằng “đây là một loại hình chiến tranh lợi dụng triệt để
các cuộc bạo loạn; mới về cường độ nhưng cũ về nguồn gốc; một cuộc chiến tranh
du kích, chống phá, nổi loạn…”. “Chiến tranh phi quy ước” đã được vận dụng triệt
để ở Trung Đông-Bắc Phi, thậm chí ghi rõ trong “Điều lệnh Tác chiến phi quy ước”
(ATP 3-05.1) xuất bản ngày 6-9-2013: “Chiến tranh phi quy ước” là các hoạt động
được tiến hành để thúc đẩy một phong trào phản đối hay nổi dậy nhằm gây sức ép,
làm tê liệt, lật đổ một chính phủ hoặc thế lực cầm quyền thông qua hoặc phối hợp
với các hoạt động của lực lượng bí mật, lực lượng hỗ trợ và quân du kích. Loại
hình chiến tranh này được cho là rất hiệu quả, gắn kết với chiến lược “diễn biến
hòa bình”, tạo ra kết hợp “diễn biến hòa bình” và bạo loạn lật đổ.
Tháng 5-2019, trình bày trước Quốc hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch,
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
cho biết: Từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới, những năm
gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai, ngoài chiến tranh truyền thống
còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông
tin, chiến tranh không gian mạng… Tiến hành “chiến tranh phi quy ước”, thế lực
thù địch sử dụng tổng hợp các biện pháp phi vũ trang và vũ trang, bằng các hoạt
động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, thúc đẩy phong trào phản đối hay nổi
dậy của quần chúng bị lôi kéo, do lực lượng phản động bên trong tiến hành, được
sự hỗ trợ, can dự quân sự của lực lượng bên ngoài, nhằm gây hậu quả nghiêm trọng
về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng… tạo sức ép, làm tê liệt, mất
hiệu lực quản lý của Nhà nước, triệt tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế
độ xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, cần phải tiếp tục có sự phát triển mới về tư
duy lý luận quốc phòng, quân sự cũng như có các chính sách, giải pháp chiến lược
để đối phó kịp thời, hiệu quả với “chiến tranh phi quy ước”. Cần tiếp tục triển
khai tích cực, hiệu quả Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự Việt Nam với
những tư duy mới về xác định các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến,
phương thức tác chiến chiến lược…
Khẳng định tính đúng
đắn trong chủ trương xây dựng Quân đội ta
Từ thực tế trên càng cho thấy những luận điệu kêu gọi “phi
chính trị hóa” đối với Quân đội ta là không phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Cần
đặc biệt coi trọng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị,
làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Đó là
chủ trương nhất quán và đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta xuyên suốt 76 năm chiến
đấu, xây dựng và trưởng thành của quân đội. Ở Việt Nam, bất luận trong hoàn cảnh
nào, lực lượng vũ trang cũng luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp
về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, phải là lực lượng chính trị tuyệt đối
trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhà nước và nhân dân. Phải thực hiện hiện
đại hóa, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, đáp ứng yêu cầu ngày càng
cao về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như ứng phó với các loại hình chiến
tranh mới.
Một vấn đề hết sức quan trọng nữa là dù có xây dựng quân đội
chính quy, hiện đại đến đâu cũng chưa đủ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc nếu không gắn
với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân gắn với xây
dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc; trong đó phải đặt lên hàng đầu xây dựng
“thế trận lòng dân”. Đó chính là một trong những “cẩm nang” giữ nước từ sớm, từ
xa.
Nguồn: https://huongsenviet.com/tu-mua-xuan-arab-3-bai-hoc-ve-xay-dung-quan-doi/