Hệ lụy từ việc lừa đảo qua mạng xã hội

Mạng xã hội là một nơi đầy tiềm năng, nơi mà chúng ta có thể kết nối, học hỏi và trải nghiệm một thế giới mới. Tuy nhiên, cùng với những c...


Mạng xã hội là một nơi đầy tiềm năng, nơi mà chúng ta có thể kết nối, học hỏi và trải nghiệm một thế giới mới. Tuy nhiên, cùng với những cơ hội đó, cũng xuất hiện rất nhiều rủi ro, đặc biệt là trong việc gặp phải các hình thức lừa đảo trực tuyến với các phương thức thủ đoạn, đa dạng, tinh vi, gây hậu quả khó lường. Trong quá trình chuyển đổi số phát triển công nghệ thông tin luôn song hành cùng an toàn, an ninh mạng. Việc nâng cao nhận thức về sử dụng mạng xã hội an toàn sẽ là cách tốt nhất để hạn chế rủi ro tấn công lừa đảo trực tuyến.

Trong những năm gần đây, việc sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là với sự phổ biến của điện thoại thông minh và các dịch vụ trực tuyến trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người, là nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, song hành với sự phát triển này là tình trạng gia tăng tấn công lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng với nhiều hình thức tinh vi, gây hậu quả khó lường và có chiều hướng ngày càng phức tạp, diễn biến năm sau cao hơn năm trước. Với bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, cùng với sự tương tác của người dùng với các ứng dụng công nghệ ngày càng cao, đã trở thành mục tiêu cho các đối tượng lừa đảo tận dụng và khai thác triệt để, các vụ việc lừa đảo sẽ xảy ra ngày càng nhiều do tính dễ dàng tương tác với người dùng qua các hình thức phổ biến, như: Phishing (Lừa đảo qua email): Đây là một trong những hình thức phổ biến nhất của lừa đảo trên internet. “Kẻ lừa đảo” sẽ gửi email giả mạo từ các tổ chức như ngân hàng, công ty hoặc dịch vụ trực tuyến, yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân như mật khẩu, thông tin tài khoản, số thẻ tín dụng.... Scam (Lừa đảo qua tin nhắn): Các tin nhắn lừa đảo thường hứa hẹn các ưu đãi, giải thưởng hoặc công việc hấp dẫn nhằm lôi kéo bạn vào bẫy; Tin tặc (Hackers): Các tin tặc có thể sử dụng các phần mềm độc hại như virus, malware để xâm nhập vào thiết bị của bạn và lấy cắp thông tin cá nhân; Lừa đảo mua bán trực tuyến; tham gia kinh doanh; chứng khoán … Các đối tượng có thể tạo các tài khoản giả mạo của bạn bè hoặc người thân hoặc người bán hàng, chủ một hoạt động gì đó để lừa đảo.



Qua tìm hiểu thực tế cho thấy các đối tượng thường đánh vào lòng tham cuả mỗi cá nhân, kèm theo sự thiếu hiểu biết về pháp luật, kinh tế thị trường…đặc biệt là người già và phụ nữ. Chúng nắm bắt thông tin qua mạng xã hội, thăm dò và đưa ra những chiêu trò để dụ các “con mồi” sập bẫy. Điều đáng nói ở đây là khi bị lừa đảo, nhiều người đã biết bị lừa đảo nhưng không dám trình báo hoặc chia sẻ với người thân vì nhiều lí do, như lo lắng về tình cảm gia đình, mặc cảm.. dẫn đến việc đã bị lừa lại càng bị lừa như: giúp lấy lại tiền, rồi đe dọa thông báo cho người thân biết, đăng lên mạng để bôi xấu danh dự…

Hậu quả là việc nợ nần, tâm lí hoảng loạn… nhiều gia đình tan nát, nhiều người đổ bệnh, hệ lụy sâu hơn nữa là tìm cách kiếm tiền để trả nợ dẫn đến có thể làm bất cứ việc gì để có tiền một cách nhanh nhất.

Các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo đến mọi tầng lớp nhân dân, xong hiệu quả chưa cao. Hơn nữa thủ đoạn của bọn lừa đảo ngày càng tinh vi, nhiều hình thức, thủ đoạn với các chiêu trò mới nên người dân mặc dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn mắc bẫy.

Thiết nghĩ mỗi cá nhân hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, không ai có thể bảo vệ mình bằng mình tự bảo vệ mình. Các cơ quan chức năng tiếp tục tìm ra cách thức để tuyên truyền, hướng dẫn, tạo ra một môi trường thông tin tích cực, giúp đỡ mọi người nâng cao cảnh giác và giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội.

Related

Trong nước 7667674523575164444

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item