Nhận diện và phản bác quan điểm sai trái về quy định nộp tiền khắc phục hậu quả để được giảm án trong các vụ án tham nhũng
Thời gian gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta chú trọng và đẩy mạnh, qua đó phát hiện ...
Thời gian gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta chú trọng và đẩy mạnh, qua đó phát hiện
không ít các cán bộ lãnh đạo có sai phạm trong công tác, vi phạm nghiêm trọng về
phẩm chất đạo đức, đã bị xử lý kỷ luật, đồng thời bị xử lý hình sự trong các vụ
án kinh tế, tham nhũng theo quy định của pháp luật. Quá trình điều tra, truy tố,
xét xử án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ thì hầu hết các bị cáo đều nhận thức
được hành vi vi phạm của mình, thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, tự nguyện bồi
thường khắc phục hậu quả để được giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự khi Tòa
án lượng hình. Theo đó, việc nộp tiền để khắc phục hậu quả chỉ là một trong những
yếu tố để Tòa án cân nhắc giảm nhẹ án. Tuy nhiên một số đối tượng lại lợi dụng điểm
này trong pháp luật Việt Nam để suy diễn, bóp méo sự thật thành “các bị cáo
dùng tiền để chạy án, giảm án”.
Cụ thể, vào ngày 19/5/2024 trên Fanpage của Việt Tân trên
Facebook đăng tải bài viết có tựa đề "Việt Nam - Quốc Gia duy nhất được đổi
án tù thành tiền mặt", trong đó viết về ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ Trưởng
Bộ Y tế, khắc phục thêm cho vụ án 1 tỷ đồng và được Tòa án phúc thẩm tuyên giảm
01 năm tù, chúng cho rằng "Việt Nam đang tự biến mình thành quốc gia duy
nhất được quy đổi án tù thành tiền mặt, đóng 1 tỷ thì giảm được hẳn 1 năm tù"
hay "có nhận hối lộ thì ấm no, còn nếu đi tù thì lấy tiền đó nộp lại là
xong", và các tin bài có tiêu đề giật tít tương tự như "Có mức giá mới
để giảm án".
Trước đó ông Nguyễn Thanh Long bị Tòa tuyên án 18 năm tù về
tội Nhận hối lộ vào phiên tòa sơ thẩm. Ngày 17/5/2024 Tòa án nhân dân cấp cao tại
Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của
ông Nguyễn Thanh Long và 10 bị cáo cùng một số tổ chức, cá nhân có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Kết quả sau khi nghị
án, Hội đồng xét xử đã quyết định y án sơ thẩm đối với 5 bị cáo và giảm án cho
6 bị cáo. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) được giảm
1 năm, xuống còn 17 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của bị cáo Long là đặc biệt
nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, là sự suy thoái đạo đức cán bộ,
làm mất lòng tin của nhân dân. Tuy nhiên, bị cáo Long được xét nhiều tình tiết
giảm nhẹ như: tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, nộp lại toàn bộ số tiền nhận
hối lộ 2,25 triệu USD… Điều này thể hiện thái độ ăn năn, hối cải của bị cáo. Tại
phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Long xuất trình thêm tài liệu mới, bị
cáo bị hội chứng ngừng thở khi ngủ, tự nguyện khắc phục thay bị cáo Việt 1 tỉ đồng
là tình tiết giảm nhẹ mới. Hội đồng xét xử nhận thấy bị cáo là một nhà khoa học
uy tín, là người đặt nền móng cho Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS. Bị cáo cũng là
người góp phần đào tạo nên nhiều tiến sỹ y khoa… nên có cơ sở để chấp nhận một
phần kháng cáo của bị cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt để bị cáo yên tâm cải tạo,
có cơ hội sửa chữa sai lầm.
Giảm nhẹ hình phạt, giảm án là một trong những chính sách thể
hiện sự khoan hồng của pháp luật, của Nhà nước đối với người phạm tội. Tuy
nhiên, để được giảm án thì người phạm tội phải đủ những điều kiện nhất định, không
phải "cứ nộp tiền vào là được giảm án" như các đối tượng phản động
rêu rao bịa đặt.
Người phạm tội phải tự nguyện bồi thường thiệt hại hoặc khắc
phục hậu quả mới được coi là tình tiết giảm nhẹ. Nếu do tác động của người khác
hoặc của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội buộc phải khắc phục hậu quả, người phạm
tội mới thực hiện theo thì không được xem là tình tiết giảm nhẹ để áp dụng. Việc
tự nguyện khắc phục hậu quả phải xảy ra trước khi tuyên án và thuộc ở cấp nào
thì cấp đó coi là tình tiết giảm nhẹ.
Việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả thường đi liền với
tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải
và tích cực hợp tác. Việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật
Hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân
người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình
sự. Trong đó, đối với các tội phạm về chức vụ, tội phạm gây thiệt hại đến
tài sản của nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì việc bồi thường khắc phục hậu
quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là những tình tiết giảm nhẹ đáng kể
trách nhiệm hình sự.
Các vụ án liên quan đến tham nhũng, kinh tế, chức vụ làm thất
thoát lượng lớn tài sản của Nhà nước, với những tổn thất không hề nhỏ, gây hậu
quả đặc biệt nghiêm trọng. Biện pháp khắc phục hậu quả liên quan đến tài sản là
thật sự cần thiết, đây là chế tài không thể thiếu để khuyến khích các bị cáo có
các hoạt động khắc phục hậu quả đến hết mức có thể, đồng thời cũng là hình phạt
dành cho người phạm tội, có thể nói nôm na rằng đây là "một mũi tên trúng
nhiều đích" và sẽ có tác dụng lớn trong việc xem xét quyết định hình phạt khi
tòa án lượng hình. Đây là động thái tích cực để cơ quan tiến hành tố tụng đánh
giá giữa công và tội, xem xét các tình tiết của vụ án, sớm làm sáng tỏ bản chất
của vụ án và giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, công bằng, đúng pháp luật.
Tại Khoản 1, điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ
sung năm 2017) quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có đến
22 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được áp dụng. Việc bồi thường thiệt hại,
khắc phục hậu quả chỉ là một trong 22 tình tiết được Tòa án xem xét để giảm án
cho bị cáo. Hoàn toàn không chỉ dựa vào việc nộp thêm tiền khắc phục hậu quả
thì “sẽ được giảm hẳn 01 năm án tù” như các đối tượng phản động đã “đánh tráo
khái niệm”, xuyên tạc đưa vào bài viết.
Vì vậy, để được Tòa án xem xét, tuyên giảm thời gian chấp
hành hình phạt tù hoặc giảm án là rất khó khăn và cần nhiều yếu tố, điều kiện
theo quy định của pháp luật chứ không riêng gì việc nộp tiền bồi thường, khắc
phục hậu quả. Cần nhận diện đúng đắn vấn đề này để không bị các thế lực thù địch,
các phần tử cơ hội chính trị “dắt mũi” hướng lái dư luận hiểu sai thông tin,
khơi gợi tâm lý bức xúc trong nhân dân.