Cảnh giác với quan điểm sai trái, thù địch trong quá trình xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội khóa XV, tại Kỳ họp thứ Sáu thông qua ngày 28/11/2023 với đa số đại...
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội khóa XV, tại Kỳ họp thứ Sáu thông qua ngày 28/11/2023 với đa số đại biểu biểu quyết tán thành và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024. Luật gồm 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đây là dự án Luật quan trọng nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, nhất là tại địa bàn cơ sở, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Quá trình xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ Công an đã chủ trì, tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia và quần chúng nhân dân về dự án Luật.
Ban đầu, khi dự án Luật được soạn thảo với những vấn đề mới rất cần sự quan tâm đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện; đồng thời, cũng sẽ có những ý kiến khác nhau, tán thành hay chưa tán thành nội dung, vấn đề nào đó là bình thường. Tuy nhiên, một số đối tượng phản động, cơ hội chính trị hoặc những cá nhân vì động cơ sai lệch đã lợi dụng vấn đề này để đẩy mạnh việc công kích, xuyên tạc, chống phá xây dựng dự án Luật; Để tăng cường công kích, chống phá, nhiều trang mạng của các tổ chức phản động lưu vong thường xuyên đăng tải nhiều bài viết, video trên mạng xã hội (Facebook, Youtube, Tiktok…), chúng phát tán, bịa đặt, ngụy tạo một số bài viết chống phá dự án Luật với mục đích bôi nhọ sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kích động người dân. Các đối tượng xuyên tạc rằng việc ban hành luật sẽ “tạo ra một mạng lưới chân rết, trao quyền để lấy dân trị dân, sinh ra những hệ lụy như lộng quyền, rình mò, hạch sách, trấn áp nhân dân, không giữ được ANTT mà khiến xã hội sẽ trở nên hỗn loạn hơn”. Những luận điệu này được các thế lực thù địch tung ra nhằm tạo cho người dân những nhận thức lệch lạc, suy giảm niềm tin, kích động tâm lý, thái độ chống đối, phá hoại tư tưởng, phá hoại dự án Luật, sâu xa hơn là chống phá chế độ, Đảng và Nhà nước. Từ việc xuyên tạc nội dung trong dự án luật, các đối tượng hướng đến bôi nhọ hình ảnh lực lượng vũ trang, bôi nhọ chính sách quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cho rằng cách làm như vậy là sai lầm, làm mất vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế! Cùng với việc vu khống, bôi nhọ cán bộ, đảng viên, các đối tượng tìm cách tâng bốc những người bất mãn, cơ hội chính trị, coi những đối tượng hoạt động tuyên truyền, chống phá nhà nước bị pháp luật xử lý là những “nhà dân chủ”; cổ vũ tư tưởng dân tộc cực đoan, kích động “lòng yêu nước” để tụ tập, biểu tình chống đối nhằm tới mục tiêu “cách mạng đường phố”, “cách mạng màu” để thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
Có thể thấy, các quan điểm sai trái nêu trên hoàn toàn vô căn cứ, mang tính áp đặt, cực đoan. Đây là những luận điệu hết sức nguy hiểm, phản động của các thế lực thù địch, gây tâm lý hoài nghi, dao động, mất niềm tin, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu giữ vững sự ổn định và bảo đảm an ninh, trật tự ngay từ cơ sở. Có thể khẳng định Bộ Công an đề xuất xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một giải pháp đúng đắn, cấp thiết, nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề sau:
Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo đảm an ninh, trật tự là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; tiếp tục xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn lực lượng, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.
Hai là, thực tiễn hiện nay, cùng với lực lượng CAND, trên địa bàn cấp xã có sự tham gia bảo vệ ANTT của các lực lượng: Bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng. Các lực lượng này được gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đây là lực lượng quần chúng do UBND cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động, hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cấp xã. Mặc dù vậy, hiện nay mỗi nơi từ tên gọi cũng không thống nhất, đến tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng khác nhau, không rõ ràng. Từ đó một số nơi xuất hiện tình trạng lạm quyền, không làm hết trách nhiệm, gây ra khó khăn trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện, do vậy đòi hỏi cần phải được chuẩn hóa, đưa vào luật.
Ba là,
thực tiễn tổ chức và hoạt động của các lực lượng này thời gian qua đã bộc lộ
nhiều vướng mắc bất cập, nhất là về chính sách, pháp luật. Các quy định hiện
hành về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng
tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được đề cập ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác
nhau, do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Mặt khác, các quy định về thẩm quyền thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bị chồng lẫn giữa các lực lượng. Quy định về chế độ, chính sách; điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang, thiết bị hoạt động của các lực lượng này còn thiếu, chưa thống nhất… Điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong lãnh đạo, quản lý, duy trì, củng cố, phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, làm giảm hiệu quả hoạt động.
Bốn là, “Lấy dân làm gốc” là nguyên tắc cơ bản, mục tiêu xuyên suốt của dự thảo luật và phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Việc xây dựng, tổ chức lại lực lượng tham gia bảo vệ ANTT không làm tăng biên chế, tăng ngân sách nhà nước. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cánh tay nối dài, sâu sát với nhân dân, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền, hỗ trợ lực lượng nòng cốt là Công an chính quy trong việc đảm bảo ANTT tại cơ sở, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Năm là, thực tế cho thấy, trong đời sống xã hội, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã phát huy tích cực thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ bảo đảm ANTT địa bàn dân cư, sát dân, hiểu, nắm được tâm, tư nguyện vọng nhân dân, góp phần tham gia tổ chức, thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Do ở tại cơ sở nên họ là lực lượng tiếp cận đầu tiên. Hay như trong đại dịch Covid-19, các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã và đang thực hiện có hiệu quả, là lực lượng tuyến đầu cùng với lực lượng nòng cốt Y tế, Công an, Quân đội… trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, hỗ trợ đắc lực người dân phòng, chống dịch bệnh.