Nhận thức đúng về tự do ngôn luận trên không gian mạng

  Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và Công ước...

 


Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 cũng quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”. Tuy nhiên, quyền này không phải là quyền tuyệt đối mà là một quyền bị hạn chế. Khoản 3, Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 ghi: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc hưởng thụ quyền này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định (những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật) để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Tự do ngôn luận được xem là quyền hiến định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều 10). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Bên cạnh đó, chúng ta còn có Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Khung pháp lý của nước ta về quyền tự do ngôn luận cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người. Cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có những quy định để hạn chế và ngăn chặn những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, xâm hại tới lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hình thức thể hiện của tự do ngôn luận đã có sự biến đổi lớn. Thông qua Internet và các ứng dụng mạng xã hội, người dùng có thể tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, đăng tải hay lan truyền bất cứ thông tin gì thông qua tài khoản cá nhân của mình mà không chịu bất kỳ giới hạn nào. Việc thể hiện quyền tự do ngôn luận của mỗi người chưa bao giờ trở nên dễ dàng và có sức lan truyền nhanh chóng đến thế. Tuy nhiên, chính điều này cũng mang đến những nguy cơ khi quyền này bị lạm dụng, nhất là khi những người đăng tải thông tin trên không gian mạng có quan điểm, thái độ cực đoan, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, tiếp cận nguồn thông tin không chính thống. Các thế lực phản động, thù địch có thể lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, bôi nhọ, nói xấu chính quyền, gây kích động, hoang mang trong nhân dân, đe dọa an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Ở tỉnh Bắc Kạn, thời gian gần đây, nhiều cá nhân sử dụng mạng xã hội có phát ngôn dưới nhiều dạng như bài viết, bài nói hoặc livestream để thể hiện những ý kiến, quan điểm trái chiều nhưng đã đi quá giới hạn cho phép, xâm phạm đến lợi ích của cá nhân, tập thể. Gần đây nhất ngày 30/6/2022, H.V.D (SN 1997, trú tại xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) đăng tải bình luận trên bài viết của 1 Fanpage có nội dung sai sự thật, xúc phạm uy tín của lực lượng cảnh sát giao thông. Tại cơ quan Công an D cho biết, do say rượu và nghe thông tin sai lệch từ một số người khác nên đã đăng tải bình luận sai sự thật. D đã nhận thức được hành vi vi phạm, có thái độ hợp tác, thành khẩn khai báo, tháo gỡ bình luận và cam kết không tái phạm. Công an tỉnh Bắc Kạn đã ra Quyết định xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với D.

Qua một số vụ việc cho thấy, mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội cần nhận thức đúng về tự do ngôn luận trên không gian mạng, xác định đâu là giới hạn của tự do ngôn luận để có hành xử đúng mực. Những hành vi như đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… đều bị pháp luật xử lý. Người dùng internet và mạng xã hội, nhất là giới trẻ, cần nâng cao nhận thức và năng lực tự sàng lọc thông tin, tiếp cận những nguồn thông tin chính thống, ứng xử một cách có văn hóa và đúng quy định luật pháp./.

Related

Bắc Kạn 2060469950468793973

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item