ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

 Những ngày gần đây, khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang tích cực chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1...



 Những ngày gần đây, khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang tích cực chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024), ở một số trang báo, trang mạng phản động như Việt Tân, Nhật ký yêu nước, Tiếng dân News, VOA, BBC News… các thế lực thù địch lại ra sức chống phá, xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận sự thật về chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam với những luận điệu sai trái, tráo trở như “chiến thắng Điện Biên Phủ không gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “chiến thắng Điện Biên Phủ giành được khi thực dân Pháp mắc những sai lầm chiến lược”… Đây là những lời lẽ bóp méo sự thật lịch sử bởi thực tiễn đã chứng minh, để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, vai trò lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là đặc biệt quan trọng.

Từ ngày đầu kháng chiến, với nhãn quan chính trị sắc bén, Đảng và Bác Hồ đã sớm đề ra đường lối chiến tranh nhân dân “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”; vừa kháng chiến vừa kiến quốc, kiên trì giành thắng lợi từng bước và phải dựa vào sức mạnh nội lực. Vì vậy, chúng ta có thời gian xây dựng tiềm lực đất nước về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã bước vào năm thứ tám. Cục diện chiến tranh ở Việt Nam nói riêng và ở Đông Dương nói chung càng chuyển biến mạnh theo hướng có lợi cho quân và dân ta, bất lợi cho thực dân Pháp và đế quốc Mỹ can thiệp. Để cứu vãn tình thế thất bại ở Đông Dương và tìm được một “lối thoát danh dự”, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Nava. Đây là nỗ lực cuối cùng của Pháp và Mỹ nhằm giành lại thế chủ động có tính quyết định về quân sự trên chiến trường, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi cho chúng. Để đạt được mục tiêu đó, sau khi nghiên cứu kỹ vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ, tướng Nava (Pháp) “chấp nhận” chiến đấu ở Điện Biên Phủ bằng một tập đoàn cứ điểm “mạnh chưa từng có ở Đông Dương”, một “pháo đài bất khả xâm phạm”, là “cỗ máy nghiền nát mọi cuộc tấn công của Việt Minh”.

Nhận rõ thủ đoạn của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava, cuối tháng 9/1953, tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân (1953 - 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích: “Địch tập trung quân cơ động để tạo sức mạnh. Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Người nêu rõ nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ. Hướng Tây Bắc sẽ là hướng chính, các hướng khác là phối hợp, phương châm chiến đấu là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.

Trên cơ sở nắm chắc mọi âm mưu, hành động của địch, phân tích, đánh giá tình hình một cách khoa học, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh “Trần Đình”, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”; dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp: phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Cùng với đó, Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy Đảng ta đã rất chủ động trong việc chuyển phương thức tác chiến từ “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” sang “đánh thẳng vào chỗ mạnh nhất của địch”, chuyển từ “vận động chiến” sang “trận địa chiến”, buộc Pháp phải giao chiến với ta sớm hơn 01 năm so với kế hoạch của chúng.

Thực hiện quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ khi địch còn chưa mạnh, ngày 25/01/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Tuy nhiên, quá trình theo dõi tình hình thực tế, khi thấy địch ngày càng tăng cường lực lượng, ra sức củng cố trận địa và những khó khăn của ta, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch mà trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình, đó là thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời thể hiện rõ trí tuệ, vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 xe và toàn bộ vũ khí, kho tàng, quân trang, quân dụng của địch. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, đây là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.


Như vậy, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử; đồng thời là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những luận điệu xuyên tạc cho rằng thắng lợi Điện Biên Phủ không gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là xuyên tạc, là phủ nhận lịch sử, cần phải đấu tranh, bác bỏ để chiến thắng Điện Biên Phủ mãi âm vang, là động lực và tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng “cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”./.

Related

Trong nước 8872041119604658284

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item