"NHÂN QUYỀN" CÓ CAO HƠN CHỦ QUYỀN?

  "Nhân quyền cao hơn chủ quyền" - đây là luận điểm không mới. Nó manh nha hình thành từ khi các quốc gia phương Tây đi khai phá...

 


"Nhân quyền cao hơn chủ quyền" - đây là luận điểm không mới. Nó manh nha hình thành từ khi các quốc gia phương Tây đi khai phá thuộc địa. Nó lớn dần khi thế chiến thứ 2 chấm dứt. Và đặc biệt nở rộ sau cuộc chiến tranh lạnh, khi các nhà chính trị phương Tây hiểu rằng, họ không thể giành chiến thắng trước các thế hệ lãnh đạo và người dân đã được trải qua thử thách chiến tranh, mà phải tấn công vào nhận thức của lớp trẻ, thông qua dân chủ, nhân quyền.

Các cuộc cách mạng màu ở một số nước Đông Âu, Trung Đông và Bắc Phi diễn ra trong những năm gần đây, có khởi nguồn từ luận điểm coi nhân quyền cao hơn chủ quyền. Điểm chung của hầu hết các cuộc cách mạng này là tác động vào giới trẻ, “cách mạng dù” ở Hồng Kông, phong trào giơ 3 ngón tay ở Thái Lan cũng có những điểm rất chung như thế. Mục tiêu sau cùng vẫn là phá hoại nền độc lập và ổn định của các quốc gia, dân tộc nhằm củng cố vị trí địa chính trị, lợi ích quốc gia, dân tộc của một hay một số nước lớn.

Luận điểm coi nhân quyền cao hơn chủ quyền được phương Tây thực hiện ở một số quốc gia như Iraq, Syria, Lybia... khốc liệt bằng các “quả bom dân chủ”. Họ cho rằng, có bốn biện pháp gián tiếp tác động đến dân chủ của các nước: (1) Hỗ trợ cải cách hệ thống luật pháp, các cơ chế quản lý của nhà nước; (2) Hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan lập pháp và các nghị sỹ Quốc hội; (3) Hỗ trợ các đảng phái chính trị đối lập thân Mỹ; (4) Mở rộng quyền lực cho chính quyền của các địa phương. Tất nhiên, họ cũng áp dụng chiêu bài này với đất nước chúng ta, rất triệt để nhưng lại “nhẹ nhàng”: thông qua các hình thức phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc, đòi các quyền tự do tôn giáo, ngôn luận, báo chí...(theo tiêu chuẩn kép tự đặt ra), và đánh trực tiếp vào thế hệ trẻ.

Vài ví dụ đơn giản, như tuyên truyền cho lối sống thực dụng, coi trọng lợi ích cá nhân hơn lợi ích tập thể, lối sống tự do về tình dục cũng như xu hướng tính dục. Các phong trào kêu gọi chó quyền mèo quyền... Tạo cho một bộ phận giới trẻ có xu hướng xa rời các phong tục truyền thống tốt đẹp ông bà tổ tiên để lại. Nói đâu xa xôi, cứ mỗi dịp gần tết Âm lịch, có không ít người kêu gào bỏ Tết ta ăn Tết tây là biểu hiện dễ nhận thấy nhất của xu hướng này.

Ai cũng biết là văn hóa còn thì dân tộc còn. Chính vì thế ngay từ những ngày đầu còn non trẻ, Đảng đã cho ra đời đề cương về văn hóa Việt Nam (1943). Đề cương là kim chỉ nam về văn hóa cho con đường cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của ta. Song như đã đề cập ở phần đầu bài viết này, đối với các thế hệ cha ông ta, những người đã trải qua mất mát đau thương của chiến tranh, thì việc nhận diện các chiêu bài thay đổi văn hóa và bản sắc dân tộc của các thế lực thù địch, từ các diễn biến hòa bình, nhằm làm bất ổn xã hội, tạo ra các cuộc cách mạng màu để lật đổ thể chế chính trị là điều không khó. Nhưng với thế hệ trẻ hiện nay, thế hệ được sinh ra khi đất nước đã đổi mới và chuyển mình mạnh mẽ. Một thế hệ không biết miếng thịt heo nó quý như thế nào thì lại rất dễ bị các chiêu bài này tấn công và làm lệch lạc suy nghĩ. Các em sẽ là mảnh đất màu mỡ để các thế lực chính trị phản động, các tổ chức phi chính phủ (NGO) được lập ra với mục đích chống phá Việt Nam lợi dụng, cổ xúy và tuyên truyền cho cái gọi là coi nhân quyền cao hơn chủ quyền, và khi các em bị nhiễm rồi thì kết quả nó ra sao chắc ai ai cũng biết rồi đấy?!

Có rất nhiều việc cần phải làm để bảo vệ tư duy và nhận thức của thế hệ trẻ Việt Nam trước âm mưu thâm độc này. Từ việc ông bà cha mẹ phát hiện và răn dạy con cháu tránh xa các thứ văn hóa ngoại lai. Song với thế hệ trẻ ngày nay, việc bùng nổ của mạng xã hội khiến chúng ta rất khó kiểm soát các em, các cháu nghe gì, xem gì, tiếp nhận gì trên đó. Nên rất cần cơ quan an ninh mạng mạnh tay hơn nữa với truyền thông bẩn, các kênh hay hội nhóm xấu độc trên Facebook, Youtube, Tiktok, và cả giới nghệ sĩ tự cho mình cái quyền đứng trên tất cả.

 

Related

Luận bàn 6313143828548350166

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item