Easy Tour – “đi dễ, về khó”!
Những ngày qua có lẽ là những ngày “mất ăn mất ngủ” đối với hàng nghìn nhà đầu tư đã tham gia đầu tư vào app “Easy Tour VN” – mộ...
Những ngày qua có lẽ là những ngày “mất ăn mất
ngủ” đối với hàng nghìn nhà đầu tư đã tham gia đầu tư vào app “Easy Tour VN” –
một ứng dụng giả mạo doanh nghiệp kêu gọi đầu tư sinh lời cao đã bị sập. Và đồng
nghĩa với việc số tiền của các nhà đầu tư đều đã “không cánh mà bay”. Người ít
thì vài chục triệu đồng, còn người nhiều thì lên đến hàng tỷ đồng.
Theo giấy phép đăng ký của công ty
này công bố, tên đầy đủ của công ty là Công ty TNHH Du lịch VIệt Nam Easy Tour,
vốn điều lệ 50 tỷ đồng do ông Trần Văn Hiếu làm chủ sở hữu, bà Phạm Thị Sen là
đại diện pháp luật. Công ty này đăng ký kinh doanh trên 13 lĩnh vực như: đại lý
du lịch, điều hành tour du lịch, cho thuê xe, dịch vụ lưu trú, tuy nhiên trên
thực tế công ty lại không có sản phẩm du lịch nào mà chỉ huy động vốn của nhà
đầu tư tham gia các chương trình ảo trên app. Mỗi chương trình quy định số tiền
đầu tư tối thiểu khác nhau, giới hạn số người và số lần tham gia. Có gói ngắn
hạn chỉ vài tiếng, vài ngày, vài tháng, có gói đầu tư dài hạn 01 năm, và đặc
biệt tất cả các chương trình đầu tư đều có mức lợi nhuận rất cao. Để nâng cao
niềm tin của các nhà đầu tư, các đối tượng “cầm đầu” của tổ chức này thường
xuyên tổ chức các hội nghị, sự kiện với quy mô lớn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí
Minh kèm theo các phần quà tặng hấp dẫn cho người tham gia. Thậm chí chúng còn
cử một số người đại diện đến tiếp xúc, gặp gỡ những nhóm người tham gia đầu tư
vào app tại các huyện, thành phố với những chức vụ “tự xưng” như Phó Tổng Giám
đốc, Trợ lý Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc đào tạo... mà người tham gia chẳng biết
thực hư ra sao và cũng không biết đó có phải tên thật của họ không?
Khi tra cứu mã số thuế của công ty
trên website, Công ty này mới chỉ hoạt động từ tháng 01/2023. Tuy nhiên đánh
vào lòng tham của các nhà đầu tư về mức lợi nhuận cao nên công ty đã thu hút
được số lượng lớn nhà đầu tư tham gia. Cuối tháng 12/2023 công ty này công bố đến
các nhà đầu tư kế hoạch lần đầu phát hành cổ phiếu và đưa lên sàn chứng khoán (IPO)
trên sàn chứng khoán Hồng Kông và tiến hành bán cổ phần nội bộ cho các nhà đầu
tư, đồng thời hứa hẹn sau khi IPO thành công, cổ phiếu sẽ tăng hàng chục lần.
Đến ngày 02/01/2024 nhiều nhà đầu tư thông
tin trên các nhóm chat đầu tư về việc không rút được tiền trên app. Công ty này
liên tục trấn an là do app quá tải, sau đó công ty lại thông tin rằng đang bị
điều tra thuế và sẽ tiến hành đóng thuế 20% trên tổng số tiền đầu tư của người
tham gia. Những ai đã được công ty thay mặt đóng thuế sẽ được rút tiền. Số tiền
thuế bị trừ sẽ được công ty hoàn trả lại. Tuy nhiên đến ngày 03/01/2024 app của
Easy Tour đã sập hoàn toàn, tiền của các nhà đầu tư cũng “bốc hơi”.
Năm hết Tết đang đến gần, ai cũng
mong muốn có thể nhờ vào việc đầu tư mà có thêm nguồn thu nhập cho cái Tết thêm
ấm no. Vậy nhưng, vì sự nhẹ dạ cả tin cũng như chút lòng tham cố hữu có trong
mỗi người mà họ bỗng trắng tay, thậm chí gánh trên lưng thêm một món nợ khổng
lồ. Nhiều người phải bán nhà, bán đất, bán xe, gia đình đang yên ấm nay trở nên
lục đục, vất vả.
Điều
đáng nói, trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, đã có nhiều người dùng đăng tải
và chia sẻ rất nhiều về việc app trên có tính chất lừa đảo nhưng các nhà đầu tư
vẫn bỏ tiền vào. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lừa đảo gia tăng
là nhiều người dân chưa có đầy đủ kiến thức, có tâm lý hám lợi và thiếu cảnh
giác.
Trong bối
cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, đối tượng lừa đảo càng dễ dàng tạo ra các nền
tảng để hoạt động. Ngoài ra, tình trạng rò rỉ thông tin cá nhân đã tạo cơ hội
cho các đối tượng xấu tìm hiểu và đưa ra kịch bản chuyên nghiệp, đánh trúng tâm
lý người dùng để lừa đảo. Bởi vậy, người dùng không nên chia sẻ thông tin cá
nhân lên các nền tảng mạng xã hội, cảnh giác với các chiêu thức kêu gọi đầu tư
thu lợi nhuận cao. Và trước khi quyết định đầu tư, người dân cần tìm hiểu kỹ
thông tin, tham khảo ý kiến của chuyên gia để tránh rơi vào “bẫy”.