Âm mưu lợi dụng “tự do tôn giáo”
Trong những âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta dưới vỏ bọc "tự do tôn giáo" của các thế lực thù địch, không thể không nhắc tới c...
Trong những âm
mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta dưới vỏ bọc "tự do tôn giáo" của các
thế lực thù địch, không thể không nhắc tới chiêu bài biến các giáo xứ thành những
thiết chế chính trị riêng, hoạt động ngoài vòng pháp luật, từ đó kích động nhân
dân và giáo dân tiến hành các hoạt động gây rối, chống đối, vi phạm pháp luật,
chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Nổi lên thời
gian qua, các đối tượng triệt để sử dụng mạng xã hội, các phần mềm trực tuyến để
chỉ đạo số đối tượng cốt cán ở trong nước tích cực tuyên truyền, lôi kéo người
dân tham gia tà đạo nhằm phát triển lực lượng, các phần tử xấu lợi dụng các hiện
tượng tôn giáo biến tướng, lệch lạc, tà đạo như Giê Sùa, Bà Cô Dợ, Hội thánh Đức
Chúa trời, Pháp luân công và một số hiện tượng tôn giáo liên quan đến tục lễ thờ
cúng các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng để tiến hành các hoạt động
gây rối an ninh, trật tự. Thực tế các tà đạo như Giê Sùa, Bà Cô Dợ, Hội thánh Đức
Chúa trời, Pháp luân công đều là lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp phát
triển lực lượng, lợi dụng một số sơ hở thiếu sót trong thực hiện chính sách, luật,
quyền lợi,... để đả phá, vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo.
Trên địa bàn tỉnh
Bắc Kạn đã xuất hiện không ít hoạt động tôn giáo trái pháp luật của các tổ chức
nêu trên. Hoạt động của chúng đều trái với văn hóa truyền thống Việt Nam, có dấu
hiệu mê tín dị đoan, trục lợi và bị dư luận lên án. Đối với các hoạt động vi phạm
pháp luật của các tổ chức tôn giáo này, cơ quan chức năng đã tuyên truyền, nhắc
nhở, chấn chỉnh và xử lý theo quy định pháp luật.
Trong bối cảnh đất
nước tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chúng ta có nhiều kênh thông tin để khẳng
định tình hình thực tế về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, như: tích cực tham
gia cơ chế đối thoại dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hằng năm với các đối tác Hoa
Kỳ, EU...; chủ động cung cấp thông tin về thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo ở Việt Nam cho đoàn Nghị sĩ, quan chức Chính phủ các nước vào Việt Nam
làm việc, Đại sứ quán các nước tại Hà Nội; thành lập các đoàn công tác tới Hoa
Kỳ và một số nước phương Tây để trực tiếp đối thoại, trao đổi về vấn đề tôn
giáo; tăng cường công tác tuyên truyền, đối ngoại về chủ trương, chính sách,
thành tựu về tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời phản bác những thông tin sai sự thật
về tình hình tôn giáo ở Việt Nam...
Quyền tự do của
mỗi công dân phải đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cộng đồng và dân tộc.
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải luôn được thực hành trong khuôn khổ của Hiến
pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, truyền thống văn
hóa, bản sắc dân tộc và điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù của đất nước. Trên
phương diện đối ngoại giữa các quốc gia, không thể đem tiêu chuẩn về tự do tôn
giáo ở quốc gia này để áp đặt lên một quốc gia khác và buộc các quốc gia khác
phải tuân theo. Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm tốt quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của công dân, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng
tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc, vi phạm pháp luật, chống phá Nhà nước
Việt Nam.
Rõ ràng, qua
phân tích những vấn đề nêu trên cho thấy, chiêu bài tôn giáo được các thế lực
thù địch và số đối tượng chống đối ở trong và ngoài nước triệt để lợi dụng để
chống phá Đảng, Nhà nước ta, là vấn đề mang tính quy luật. Hiện nay, thủ đoạn lợi
dụng chống phá của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, lại được che đậy
bởi vỏ bọc tôn giáo nên người dân khó phát hiện. Tính chất nguy hiểm ngày càng
cao khi thủ đoạn này đã tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng của đồng bào
theo đạo. Đây sẽ là tiền đề để khi có điều kiện, có thời cơ, các đối tượng sẽ đẩy
mạnh các hoạt động tuyên truyền, kích động, lôi kéo quần chúng tín đồ tham gia
vào các hoạt động chống đối, vi phạm pháp luật.
Do đó, mọi chức
sắc, tín đồ tôn giáo nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung hãy luôn nêu
cao tinh thần cảnh giác, chủ động lên án những mưu đồ xấu của kẻ địch. Đồng thời,
tích cực tham gia đấu tranh, đẩy lùi việc lợi dụng vấn đề chính trị để chống
phá ra khỏi đời sống tôn giáo, góp phần làm cho các hoạt động tôn giáo trở nên
thuần khiết, tốt đẹp như bản chất vốn có. Nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh
giác của người dân, phân biệt rõ hoạt động tôn giáo đúng nghĩa và hành vi lợi dụng
tôn giáo để kích động chống phá của kẻ xấu. Mọi hoạt động tôn giáo phải tuân thủ
luật pháp, giáo lý, giáo luật, đem lại đời sống đạo pháp đúng nghĩa, đảm bảo
nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho đồng bào trên cơ sở tuân thủ pháp luật của Nhà
nước./.