Cảnh giác với tội phạm tiền giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025

Tết Nguyên đán là thời điểm người dân có nhu cầu mua sắm, tặng quà và giao dịch tiền tệ tăng cao, đây cũng là cơ hội cho các đối tượng tội p...

Tết Nguyên đán là thời điểm người dân có nhu cầu mua sắm, tặng quà và giao dịch tiền tệ tăng cao, đây cũng là cơ hội cho các đối tượng tội phạm tiền giả hoạt động, với nhu cầu thanh toán số tiền lớn, việc bị lừa nhận tiền giả có thể gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức. Do đó việc nâng cao cảnh giác và phòng ngừa là rất quan trọng để bảo vệ tài sản của mình.

 Hiện nay đối tượng tội phạm tiền giả hoạt động hết sức tinh vi khiến người nhận khó phát hiện. Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm tiêu thụ tiền giả thường sử dụng như:

- Trong dịp tết các giao dịch mua bán hàng hoá, đặc biệt là thực phẩm, quà tặng, dịch vụ diễn ra sôi động, lợi dụng điều này các đối tượng lừa đảo sẽ đưa tiền giả vào các giao dịch nhỏ lẻ để hạn chế sự chú ý, phát hiện của người nhận tiền. Để lưu hành tiền giả các đối tượng thường lợi dụng lúc trời nhá nhem, sáng sớm hoặc chiều tối, trong điều kiện thiếu ánh sáng trộn lẫn tiền thật, tiền giả để đánh lừa người khác.

- Dùng mệnh giá lớn để mua hàng hoá có giá trị nhỏ hoặc đổi lấy tiền có mệnh giá nhỏ để được trả tiền thật, sử dụng tiền giả lẫn với tiền thật để mua hàng hoá.

- Trong các dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền lì xì hoặc tiền mới, các đối tượng có thể lợi dụng cơ hội này để cung cấp tiền giả.

- Địa bàn được các đối tượng chọn để tiêu thụ tiền giả là khu vực đông người như chợ, khu du lịch, quán hàng đông khách mà người giao dịch bận rộn hoặc khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi người dân hạn chế hiểu biết về cách thức tiền giả cũng như dễ dàng tẩu thoát khi bị phát hiện.

- Với sự phát triển của thương mại điện tử, tiền giả có thể phát tán qua các giao dịch online, các đối tượng có thể sử dụng phương thức chuyển tiền giả qua các nền tảng thanh toán điện tử để lừa đảo.

Một số cách thức cơ bản về nhận biết tiền giả như sau:

- Thủ công đơn giản nhất là dùng tay bóp chặt tờ tiền rồi thả ra:

+ Đối với tiền thật: Đồng tiền thật được in trên chất liệu Polymer có độ đàn hồi và độ bền cao, vì vậy khi thả ra tờ tiền sẽ đàn hồi và bằng phẳng về trạng thái ban đầu.

+ Đối với tiền giả: Nền nilon dễ bai giãn, nhàu, khi kéo, xé ở mép cạnh sẽ rất dễ rách, lớp mực in dễ bị bong tróc, hình ảnh, hoa văn không sắc nét, hình định vị không khớp khít, mực đổi màu không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật.

- Dùng tay vuốt nhẹ tờ tiền để kiểm tra các chi tiết in lồi lõm:

+ Đối với tiền thật: Khi vuốt nhẹ tờ tiền để kiểm tra các chi tiết in lồi lõm sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in.

Ở mặt trước (tất cả các mệnh giá): Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; Quốc huy, mệnh giá bằng số và chữ; dòng chữ “CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”.

Ở mặt sau (mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng): dòng chữ “NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM”, mệnh giá bằng số và chữ; phong cảnh.

+ Đối với tiền giả: Vuốt nhẹ tay chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gọn tay nhưng không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật.

- Nghiêng tờ tiền (kiểm tra mực đổi màu, iriodin, hình ảnh nổi)

+ Đối với tiền thật:

Mực đổi màu (OVI): Yếu tố này có màu vàng khi nhìn thẳng, đổi sang màu xanh lá cây khi nhìn nghiêng.

Iriodin: Là dải vàng chạy dọc tờ tiền, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng.

Hình ảnh nổi: Khi cầm tờ tiền nằm ngang tầm mắt, nhìn thấy chữ “VN” nổi rõ ở mệnh giá 200.000 đồng, 10.000 đồng; chữ “NH” ở mệnh giá 50.000 đồng, 20.000 đồng.

+ Đối với tiền giả: Có làm giả yếu tố mực đổi màu nhưng không đổi màu hoặc có đổi màu nhưng không đúng như màu tiền thật; không có yếu tố IRIODIN hoặc có dải nhũ vàng nhưng không lấp lánh như tiền thật. hoặc có dải nhũ vàng nhưng không lấp lánh như tiền thật.

- Soi tờ tiền trước nguồn sáng (kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị):

+ Đối với tiền thật:

 Hình bóng chìm: Nhìn thấy rõ từ hai mặt, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo, sáng trắng.

Dây bảo hiểm: Nhìn thấy rõ từ hai mặt, chạy dọc tờ tiền, có cụm số mệnh giá hoặc chữ “NHNNVN”, “VNĐ” (500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng, 20.000 đồng, 10.000 đồng) tinh sảo sáng trắng, ở mệnh giá 50.000 đồng dây bảo hiểm ngắt quãng, có cụm số “50000”.

Hình định vị: Hình ảnh trên hai mặt khớp khít, tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh, các khe trắng đều nhau (nhìn thấy từ hai mặt).

+ Đối với tiền giả: Hình bóng chìm chỉ là hình mô phỏng, không tinh xảo. Các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, không sắc nét, hình ảnh định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.

Để khẳng định một tờ tiền giả, tiền thật phải kiểm tra nhiều yếu tố bảo an (tối thiểu 3 đến 4 yếu tố) để xác định tiền giả hay tiền thật.

Tội phạm tiền giả có thể hoạt động vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng dịp Tết là thời điểm mà các hành vi lừa đảo này có xu hướng gia tăng. Trước tình hình trên các cá nhân, tổ chức cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi thực hiện mua, bán, các giao dịch thương mại nhất là vào dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, tránh để các đối tượng lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác để hoạt động phạm tội. Từng tổ chức, cá nhân cần nâng cao ý thức cảnh giác, khi phát hiện các đối tượng có hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả người dân liên hệ ngay đến cơ quan Công an gần nhất để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật./.






Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item