Thời điểm cận tết Nguyên Đán là thời điểm nhu cầu đổi tiền (đổi tiền mới, tiền có mệnh giá thấp, tiền ngoai tệ...) của người dân tăng cao....

 

Thời điểm cận tết Nguyên Đán là thời điểm nhu cầu đổi tiền (đổi tiền mới, tiền có mệnh giá thấp, tiền ngoai tệ...) của người dân tăng cao. Lợi dụng nhu cầu này và đánh vào điểm yếu của người dân là nhanh chóng, thuận tiện, giá rẻ nhiều đối tượng đã có những thủ đoạn tinh vi, sử dụng mạng xã hội, gọi điện thoại qua các app miễn phí, app có tính năng đổi số điện thoại, hoặc giấu số điện thoại liên lạc với những người có nhu cầu đổi tiền, hướng dẫn làm theo các “thủ đoạn” của chúng như chuyển khoản trước, mua hàng với giá rẻ để đổi tiền tránh mất thuế, phí... Nhiều người dân mất cảnh giác đã vô tình dính bẫy của các đối tượng lừa đảo để rồi tiền mất tật mang. Do vậy, khuyến cáo tới người dân cần cảnh giác với các hình thức đổi tiền qua mạng, ham rẻ, bớt thủ tục để rồi “Lợi bất cập hại”.

Theo Điều 12 và Điều 13 của Thông tư 25/2013/TT-NHNN, người dân muốn đổi tiền mới có thể đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước để thực hiện giao dịch. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước có quyền thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân, đồng thời niêm yết mẫu tiêu biểu và quy định thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tuyển chọn, phân loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, thực hiện thu, đổi tiền và niêm yết mẫu tiêu biểu, quy định thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông tại nơi giao dịch.



Do đó, chỉ các cơ quan và tổ chức tín dụng có thẩm quyền mới được phép thu đổi tiền. Việc thu đổi tiền mới chỉ được thực hiện đối với các loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Các cá nhân hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ đổi tiền mới nhằm thu lợi từ chênh lệch là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt. Các hành vi này có thể bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng đối với cá nhân, 40 - 80 triệu đồng đối với tổ chức (theo khoản 5 điều 30 mục 8 chương 2 Nghị định 88/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng). Ngoài ra, theo Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 15/12/2023, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Để tránh rủi ro, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành “con mồi” tiếp tay cho các hành vi lừa đảo. Người dân chỉ nên sử dụng các dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, công ty tài chính hoặc các cơ sở kinh doanh có uy tín, có giấy phép hoạt động hợp pháp. Đối với các dịch vụ trên mạng xã hội, trước khi giao dịch, người dân hãy kiểm tra các phản hồi từ khách hàng cũ, các đánh giá hoặc các chứng chỉ pháp lý của dịch vụ; so sánh tỷ giá chênh lệch với thị trường, không tin vào những dịch vụ tỷ giá quá cao so với thị trường, cảnh giác với các dịch vụ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng. Khi phát hiện các đối tượng có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hay các hành vi lừa đảo, trục lợi khác, cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item