NGUYÊN NHÂN TĂNG GIÁ ĐIỆN CỦA EVN VÀ VẤN ĐỀ "TƯ NHÂN HÓA" NGÀNH ĐIỆN

  Ngày 27/4/2023 EVN đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quâ n, theo đó giá điện là 1.920,3732 đồng...

 


Ngày 27/4/2023 EVN đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá điện là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tương đương 3% so với giá điện hiện hành kể từ từ ngày 04/5/2023. Việc điều chỉnh này trên cơ sở Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.

Ngay lập tức, từ khóa EVN tăng giá điện do kinh doanh thua lỗ trở nên cực kỳ “hot” trên mạng internet, các nền tảng mạng xã hội và mọi ngõ ngách đường phố. Mở điện thoại, máy tính, tivi, báo, đài thậm chí là ngồi quán trà đá thấy ở đâu cũng bình luận xung quanh việc tăng giá điện và EVN thua lỗ. Người ủng hộ cũng có, nhưng người kêu ca, phàn nàn thì nhiều, thậm chí còn làm thơ,  vẽ tranh phê phán, đả kích ngành Điện và cả cách quản lý của các cơ quan Nhà nước. Chưa biết đúng sai, nhưng như một thói quen, cứ phàm cái gì liên quan đến túi tiền của người tiêu dùng thì câu chửi luôn đi trước câu bình!?!

So sánh với các mặt hàng khác, tiêu biểu như xăng dầu, có thời điểm giá xăng lên đỉnh điểm, thậm chí còn tăng chóng mặt sau nhiều lần có lên, có xuống; rồi các dịch vụ y tế tăng đến hàng chục phần trăm, kéo theo giá cả thực phẩm trên thị trường đồng loạt tăng cao… Vấn đề nó oái oăm ở chỗ, khi xăng dầu tăng cao, người dân biết, cũng xót lắm, nhưng họ chỉ móc hầu bao từ từ; còn dịch vụ y tế tăng, có phải ai cũng vào viện đâu, chỉ những người mắc bệnh mới vào nằm viện và cực chẳng đã phải cứu người, bao nhiêu cũng phải cố…Thế nên tốn thì tốn, ít người kêu, còn tiền điện cứ đến kỳ mới thu một cục, thấy tiền điện tăng cao là đương nhiên người tiêu dùng kêu trời. Có người phản ứng đúng, nhưng cũng có người té nước theo mưa, kiểu đánh hội đồng, bất chấp đúng sai. Họ quy kết, chửi bới đủ kiểu, một bộ phận ôn hòa hơn thì kêu gọi Nhà nước nhanh nhanh tư nhân hóa thị trường điện để cho ngành Điện không còn “độc quyền”.

Tháng 9 năm 2022, trang Global Petrol Prices đã công bố giá điện của 147 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Mức giá trong danh sách của trang này được tính theo kWh và bao gồm mọi mục trong hóa đơn tiền điện của một hộ gia đình như chi phí phân phối và năng lượng, các loại phí, thuế phí môi trường và nhiên liệu. Theo đó, giá điện trung bình của thế giới là 0,169 USD/kWh (tương đương 3.967 đồng/kWh) đối với người dùng là hộ gia đình. Nơi có giá điện rẻ nhất là Lebanon (Li Băng) với mức giá chỉ 0,001 USD/kWh (khoảng 23,48 đồng/kWh). Trong khi đó, nước có giá điện cao nhất là Đan Mạch với mức 0,571 USD/kWh (13.404 đồng/kWh). Giá điện của Việt Nam ở mức 0,08 USD/kWh (1.878 đồng/kWh - quy đổi theo tỷ giá với thống kê của Global Petrol Prices), đứng ở vị trí thứ 47 về độ rẻ trong tổng số 147 quốc gia trong danh sách. Như vậy, giá điện Việt Nam vẫn thuộc hàng rẻ so với trung bình của thế giới.

Giải thích cho câu hỏi: Tại sao EVN độc quyền về điện mà vẫn lỗ?”

Thực tế, ngành điện đã không độc quyền từ rất lâu rồi. Tư nhân và khối ngoại đã tham gia vào khâu sản xuất điện và EVN chỉ “độc quyền” khâu truyền tải và phân phối đến người dân mà thôi. Tập đoàn EVN từ chỗ nắm 100% nguồn điện, hiện chỉ còn chiếm 58%. Theo báo cáo tổng kết năm 2022 của EVN, mặc dù đã nỗ lực tối đa để giảm chi phí, nhưng các giải pháp đã và đang thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện (do các thông số đầu vào tăng mạnh, như giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới và các chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện) khiến EVN lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng (chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá).

Theo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất điện năm 2022, thì EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (Bộ Công Thương công bố ngày 31/3/2023).

Theo tính toán cân đối thu - chi của EVN: Đến hết tháng 5/2023, Công ty mẹ - EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản. Dự kiến bắt đầu từ tháng 6/2023, Công ty mẹ - EVN sẽ thiếu hụt khoảng 3.730 tỷ đồng tiền thanh toán và đến tháng 12/2023, mức thiếu hụt có thể lên tới 28.206 tỷ đồng.

Trong năm 2023, EVN dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt hàng loạt khó khăn như: Đảm bảo cung ứng đủ điện trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, cân đối tài chính do tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào (như giá nhiên liệu, tỉ giá...).

Như vậy, EVN đang gồng gánh khoản lỗ rất nặng, chịu đựng để người dân có giá điện thấp, đồng thời không gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng, tránh nguy cơ lạm phát cho nền kinh tế. (Ví dụ: Để có nguồn phát điện, EVN phải trả tiền cho các nhà máy, trong khi giá nhiên liệu hóa thạch tăng không ngừng, giá mua có lúc lên đỉnh điểm là 4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán lẻ bình quân chỉ là 1.920 đồng/kWh).

Trở lại ý kiến kêu gọi phải tư nhân hóa thị trường bán điện

Trong khi dân Việt Nam luôn kêu ca “gỡ bỏ độc quyền ngành điện” thì nhiều nước trên thế giới lại đang đi ngược lại. Pháp “quốc hữu hóa” tập đoàn điện hạt nhân lớn nhất châu Âu để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm giá điện. Đức cũng “nhà nước hóa” công ty năng lượng lớn bậc nhất nước này là Uniper. Tương tự Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha… cũng đã hoặc đang có các đề xuất nhà nước sẽ sở hữu trực tiếp hoặc quá bán cổ phần tại các công ty điện và năng lượng… Tại châu Mỹ, Chính phủ Mexico sẽ chi tới 6 tỷ đô để mua 13 nhà máy điện nhằm “độc quyền năng lượng”. Na Uy cũng đang dần“quốc hữu hóa” ngành năng lượng và động thái đầu tiên là đường ống dẫn khí đốt…

Tại Đông Nam Á, các quốc gia có giá điện rẻ nhất đều là các quốc gia mà các công ty nhà nước nắm độc quyền hoặc quá bán cổ phần, đó là Malaysia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Tại Indonesia, doanh nghiệp Perusahaan Listrik Negara (PLN) thuộc sở hữu Chính phủ Indonesia cũng độc quyền ngành điện. Indonesia từng “mở cửa” ngành điện nhưng sau 5 năm đã phải vội vã độc quyền trở lại vì giá điện tăng phi mã và việc đầu tư vào các vùng hải đảo xa xôi không được các doanh nghiệp quan tâm. Trung Quốc, Đài Loan cũng là 2 quốc gia, vùng lãnh thổ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước nắm vị trí chủ yếu ngành điện hoặc liên kết dưới hạng chiếm đa số cổ phần.

Một bài học về tư nhân hóa thị trường điện có thể kể đến như sau: Năm 1989, nước Anh đã mở cửa thị trường và bán các công ty điện cho tư nhân. Thời điểm đó, nhiều quan chức và người dân tin rằng tư nhân sẽ làm tốt hơn nhà nước trong lĩnh vực này. Do vậy, không chỉ nhà máy được bán, ngay cả đường truyền tải, Chính phủ Anh cũng sang tay cho tư nhân. Quyết định ban đầu được đánh giá là tốt và có 90 quốc gia trên thế giới sử dụng mô hình này. Giá điện chỉ giảm xuống ở thời gian đầu, sau đó tăng đều và người tiêu dùng phải chịu giá điện tăng 11% hàng năm. Sau khi mở cửa thị trường điện, 6 công ty nước Anh bắt tay với nhau, không có bất kỳ sự cạnh tranh giữa các công ty điện vì không có lợi, do đó, hàng năm Chính phủ phải cho tăng trần là 12% và họ tăng trong mức từ 11-12%. Tính đến tháng 3/2023 giá điện ở Anh đã tăng 66,7% trong vòng 12 tháng (Theo Văn phòng thống kê quốc gia Anh) và đó là một trong những nguyên nhân chính gây ra tỉ lệ lạm phát hàng năm. Chính phủ Anh đã nhiều lần muốn mua lại đường truyền tải điện từ tay một vị tỷ phú (người này nắm giữ 60% giá trị đường truyền tải) nhưng không thực hiện được. Việc bán cho tư nhân là điều không thể vãn hồi.

Thực tế, chẳng ai trong chúng ta muốn giá điện tăng, nhưng nhìn con số 3% trong bối cảnh hiện tại là một sự nỗ lực rất lớn của ngành điện. Nếu đòi tư nhân hóa ngành điện hoàn toàn, thì có lẽ không chỉ dừng ở con số 3% mà có thể sẽ là 20% hoặc 30%. Nếu là tư nhân thì đã đòi tăng giá điện ngay khi giá than, khí, dầu tăng rồi chứ cũng chẳng cần phải đợi qua mấy năm đại dịch, khó khăn mới bắt đầu tính đến chuyện tăng giá.

Q.Đ

Related

Trong nước 2007842123614631985

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item