Đấu tranh, phản bác với các luận điệu xuyên tạc, suy diễn quan điêm của Việt Nam về cuộc xung đột Nga - Ukraine

Ngay từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine ngày 24/02/2022, Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ quan điểm chính thức của mình, đó là kêu gọi các b...


Ngay từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine ngày 24/02/2022, Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ quan điểm chính thức của mình, đó là kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thế nhưng, trên các thông tin truyền thông, báo chí, mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị lại cố tình đưa ra những luận điệu xuyên tạc, suy diễn nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Chúng liên tục đăng tải tin, bài có nội dung phê phán, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Việt Nam trong quan điểm, cách nhìn nhận, ứng xử trước các vấn đề liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine... từ đó hướng dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt Nam. Chúng đã “cắt xén”, “thêm thắt”, bịa đặt, làm sai lệch thông tin các bài phát biểu, lời bình, ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo Đảng, Nhà nước về cuộc xung đột Nga - Ukraine để quy kết Đảng, Nhà nước Việt Nam ủng hộ Nga, chính quyền Putin cũng như cuộc chiến tranh “xâm lược Ukraine”... Gần đây, vào ngày 22/5/2023, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Medvedev, Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống Nhất tại Hà Nội, có luận điệu xuyên tạc cho rằng “Bây giờ Medvedev sang cũng để cố vận động Việt Nam ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine” khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zenlenskyy đã có cuộc gặp “thân mật” với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị G7, Hiroshima, Nhật Bản và “bày tỏ cảm kích trước lập trường và sự hỗ trợ nhân đạo của Việt Nam” trước đó một ngày (ngày 21/05/2023). Tuy nhiên, thực tế chuyến thăm Việt Nam của Medvedev là chương trình thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng “Nước Nga Thống nhất”, lịch trình chuyến thăm kéo dài từ ngày 21 đến ngày 23/5/2023. Vậy mà các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị, phản động đã “tranh thủ” thêm thắt, bịa đặt để gây chia rẽ, biến tướng nội dung chuyến thăm của Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống Nhất Medevdev đến Việt Nam, đồng thời bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, nói xấu Việt Nam chỉ biết “né tránh”, đưa ra quan điểm “chung chung”, “không rõ ràng”, “tránh đối đầu”, cho rằng theo tình hình hiện nay, Việt Nam sẽ phải “chọn bên” trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zenlenskyy bên lề Hội nghị G7, Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: VOV


Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất Dmitry Medvedev thăm và làm việc tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN


Để thấy rõ được tính chất sai trái, xuyên tạc trong luận điệu, đồng thời chủ động trong nhận diện, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả, cần khẳng định lại những vấn đề sau:

Đầu tiên, theo chính sách ngoại giao của Việt Nam ghi rõ 04 nguyên tắc cụ thể sau: (1) Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; (2) Không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực; (3) Giải quyết các bất đồng và tranh chấp thông qua thương lượng hoà bình; (4) Tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi; Việt Nam cũng luôn nhất quán và giữ vững nguyên tắc chính sách quốc phòng “4 không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Vì vậy Việt Nam sẽ không “chọn bên”, không tham gia phe, nhóm, như quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc tháng 5/2022: “Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng”.

Hiện nay trên trường quốc tế, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, luôn tích cực, đi đầu trong đấu tranh cho hòa bình nhân loại. Trong việc giải quyết vấn đề xung đột trong quan hệ giữa Nga và Ukraine, Việt Nam luôn là nước đi đầu kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra cho đến nay, chưa có bất kỳ phát ngôn và hành động nào của Việt Nam đề cập đến việc ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine,Việt Nam cũng không “thiên vị” hay đứng về bất kỳ một bên nào.

Đồng thời, khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Việt Nam đã tích cực kêu gọi và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường, đảm bảo an ninh, an toàn của người dân cũng như các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế. Những hành động đó đã được cộng đồng quốc tế đón nhận, ủng hộ và hoan nghênh.

Từ những vấn đề trên, có thể khẳng định rằng, tinh thần hòa bình, hữu nghị, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa trong chính sách ngoại giao của Việt Nam nói chung, đặc biệt là đối với xung đột giữa Nga và Ukraine thời gian qua, không chỉ thể hiện sự đúng đắn trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, mà nó đã trở thành một trong những nét đẹp của bản sắc Việt, là tinh hoa, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Thực tế trên là minh chứng chân thực đập tan những luận điệu xuyên tạc, suy diễn của các thế lực thù địch lợi dụng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine để chống phá cách mạng Việt Nam./.

Quốc Phong

Related

Quốc tế 8783329708599833028

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item