Xuất cảnh trái phép Campuchia – Trái đắng và hệ lụy
Thời gian qua, xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng công dân bị các đối tượng lừa bịp, lôi kéo sang Campuchia lao động trái phép. Vấn đề n...
Thời gian qua, xuất hiện
ngày càng nhiều tình trạng công dân bị các đối tượng lừa bịp, lôi kéo sang
Campuchia lao động trái phép. Vấn đề này đã được các cấp, các ngành thông tin,
tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức,
hệ lụy, rủi ro có thể gặp phải. Viễn cảnh tươi đẹp về công việc tốt, thu nhập
cao nơi xứ người được các đối tượng “vẽ” ra bằng những lời hứa hẹn khiến nhiều
người nhẹ dạ cả tin, đặc biệt là lớp thanh, thiếu niên tìm cách vượt biên sang
Campuchia làm việc. Nhiều người đã trở thành nạn nhân, bị cưỡng bức lao động,
cưỡng đoạt tài sản, bị đánh đập, giam lỏng... cuối cùng phải trở về tay trắng,
mang theo gánh nặng nợ nần, thậm chí đánh đổi bằng cả tính mạng bản thân.
Thời gian gần đây, trên địa
bàn huyện Bạch Thông, theo lời dụ dỗ, lừa phỉnh của các đối tượng môi giới,
ngày càng nhiều em thanh, thiếu niên tìm cách sang Campuchia với mong muốn kiếm
được công việc tốt, thu nhập cao, bất chấp việc vi phạm quy định về xuất nhập cảnh
của pháp luật Việt Nam. Nhưng những viễn cảnh đó nhanh chóng tan vỡ, các em bị
đẩy vào làm việc tại những nơi có điều kiện rất khó khăn, chịu sự giám sát chặt
chẽ của “giới chủ”, mọi liên lạc với bên ngoài bị hạn chế đến tối đa. Hằng
ngày, do doanh số áp đặt cao, các em phải làm việc với cường độ cao, thời gian
dài (khoảng 15 - 16 tiếng), bị giam lỏng, nếu không hoàn thành công việc thì sẽ
bị đánh đập, chịu tổn thương nghiêm trọng về tinh thần và sức khỏe. Quay trở về
là việc vô cùng khó khăn. Để được thả về, các em bị buộc phải lôi kéo bạn bè,
người quen sang Campuchia làm việc; phải đáp ứng điều kiện để “chuộc người” với
số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Em V - một người từng vượt
biên trái phép sang Campuchia lao động, nay đã may mắn trở về địa phương chia sẻ:
“Bản thân bị ép phải làm công việc vi phạm pháp luật, chịu nhiều áp lực, gia
đình đã phải gửi cho “chử” 160 triệu đồng để được thả về Việt Nam”.
Một trường hợp khác hiện
nay vẫn còn làm việc bên Campuchia, chia sẻ với gia đình: “Bản thân phải làm việc
rất nhiều để đạt đủ chỉ tiêu, không đủ sẽ bị chích điện, bỏ đói, đánh đập... tiền
công bị trừ nhiều, bị quản lý, giám sát chặt chẽ, không được đi ra ngoài nơi
làm việc.”
Địa phương ta còn nhiều
trường hợp chưa được trở về như em V, các em tin lời dụ dỗ, lôi kéo của đối tượng
xấu, lời rủ rê của bạn bè, cùng nhau trở thành nạn nhân, hằng ngày, hằng giờ
lao động, đánh đổi sức khỏe để kiếm tiền về cho “giới chủ” nơi đất khách quê
người. Đưa các em an toàn trở về là tâm tư, nguyện vọng của gia đình, xã hội, đồng
thời cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đang
tích cực vào cuộc để có thể giải quyết vấn đề này trong thời gian sớm nhất.
Để tránh xảy ra những tình
trạng tương tự, mỗi người hãy tự nâng cao hiểu biết của mình về pháp luật, đề
cao cảnh giác, ý thức đấu tranh, tố giác tội phạm trước các hành vi lôi kéo, dụ
dỗ, chiêu trò của các đối tượng. Hãy cẩn trọng, suy xét kỹ trước những lời mời
gọi về “việc nhẹ, lương cao”; kịp thời tố giác cho Cơ quan Công an, chính quyền
địa phương khi phát hiện đối tượng có hành vi lôi kéo, môi giới xuất cảnh trái
phép lao động. Và cuối cùng, hãy xuất cảnh khi đã có đầy đủ giấy tờ, thủ tục
theo quy định của pháp luật.
L.T.D