Nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông - nhân tố quan trọng trong bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH thời kỳ bùng nổ công nghệ số

Sức ảnh hưởng như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông đến công tác bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH lâu nay đã không còn là vấn đề...



Sức ảnh hưởng như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông đến công tác bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH lâu nay đã không còn là vấn đề phải bàn cãi. Đặc biệt là trong bối hiện nay - thời kỳ bùng nổ của công nghệ số, với sự ra đời, phát triển của hàng loạt các trang mạng xã hội, các ứng dụng công nghệ, lượng thông tin mỗi ngày một người dân có thể tiếp xúc là cực kỳ lớn. Song song với những thông tin tích cực, chính luận, có tính thời sự là những thông tin xấu độc, thiếu kiểm chứng, gây ảnh hưởng tiêu cực nếu người tiếp xúc thiếu hiểu biết.

Chính vì tác động hai mặt của công nghệ thông tin và truyền thông đối với ANQG và TTATXH của đất nước mà đặt ra yêu cầu việc nghiên cứu, ban hành và triển khai có hiệu quả các quy định liên quan đến lĩnh vực này. Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành Luật an ninh mạng năm 2018; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin truyền thông; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản...

Tuy nhiên, ngay trong thời điểm hiện tại, một vài từ khóa đang nổi lên như cụm từ “ngáo quyền lực”, những “thầy, cô” tự xưng, được gắn cho một số cá nhân, sử dụng mạng xã hội, có những phát ngôn gây “sốc”, những hình ảnh phản cảm, gây xôn xao trong dư luận, tạo ra ảnh hưởng tiêu cực... lại có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt thu hút sự quan tâm, chú ý của giới trẻ, thậm chí hình thành nên những trào lưu mang tính lai căng, phi văn hóa. Đáng trách đầu tiên khi hệ quả đáng buồn ấy xảy ra là cơ chế quản lý phải chăng vẫn còn quá hời hợt, thiếu tính răn đe để người đưa thông tin mặc dù có thể biết là sai nhưng vẫn cố tình thực hiện; tiếp đó là thị hiếu thiếu đúng đắn: thích những thông tin nhanh, giật gân, thiếu sự kiểm chứng của chính bản thân người tiếp xúc; sau nữa là sự đánh đổi của những chủ thể nguồn tin. Mà phải chăng nguyên nhân con người ấy là do nhận thức còn kém hay truy nguyên sâu xa nguồn gốc lại từ việc thiếu tính giáo dục của môi trường nhà trường, gia đình và xã hội?

Công nghệ thông tin và truyền thông như con dao hai lưỡi, nếu tận dụng tốt thì rõ ràng, đây là đòn bẩy đưa đất nước vươn lên và ngược lại có thể là trở ngại phát triển nếu để những điều nguy hại chiếm ưu thế. Luật cũng đã có, chế tài cũng quy định cụ thể, tuy nhiên trên một môi trường mạng rộng lớn có tới 78 triệu người sử dụng (theo thống kê tính đến đầu năm 2023 của Báo Dân Trí) thì việc các cơ quan chức năng kiểm soát 100% là điều vô cùng khó, vậy nên yếu tố quyết định vẫn là nhận thức của từng cá nhân. Một xã hội tốt đẹp, một đất nước phồn vinh, một nền ANQG, TTXH vững chắc luôn được kiến tạo bởi những con người chuẩn mực những tế bào khỏe mạnh của xã hội. Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông đúng chuẩn vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của mỗi công dân để công nghệ thông tin và truyền thông phải là và sẽ luôn là động lực để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH.

Related

Luận bàn 841375030985536071

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item