VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN CỨU NƯỚC
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. N...
Sinh thời, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh
chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Những đóng góp của văn nghệ sĩ đã làm được
với đất nước, với nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc để
giành độc lập dân tộc là rất quan trọng vì đã góp phần to lớn trong việc khơi dậy
tinh thần, tình yêu Tổ quốc, đồng bào; các tác phẩm văn học nghệ thuật luôn
song hành cùng đồng bào, chiến sỹ và có mặt ở mọi nơi, mọi lúc trong cuộc chiến
đấu khốc liệt ấy.
1. Những
bài văn, bài thơ phản ánh, minh họa lòng yêu nước của người nghệ sĩ.
Tiêu biểu trong
số đó có thể kể đến bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đinh Thi mang tới những cảm
xúc và cách viết mới mẻ, pha trộn giữa nhận thức về chiều sâu của truyền thống,
lịch sử với những khát vọng của cả một dân tộc trong cuộc chiến đấu vì hạnh
phúc được độc lập, tự do. Cảm hứng làm chủ, tư thế chủ nhân của hình tượng
xuyên suốt bài thơ là điểm tựa cho những suy nghĩ, cảm xúc về đất nước, dân tộc,
con người: “Trời xanh đây là của chúng ta Núi rừng đây là của chúng ta/ Những
cánh đồng thơm mát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa”.
Điệp khúc “của chúng ta” ngân lên với cảm hứng từ địa vị của một người dân mất
nước mà giờ đây đã trở thành người tự do.
2. Đội
ngũ văn nghệ sĩ đã đứng về phía chính nghĩa cùng với nhân dân đứng lên chống lại
kẻ thù chung của dân tộc.
Cùng với hiện thực
kháng chiến, các văn nghệ sĩ đã làm một cuộc “lột xác” để về với nhân dân. Họ
hiểu ra nhiều vấn đề bản chất của xã hội bất công bắt đầu từ thân phận nô lệ của
người dân, từ địa vị mất nước. Họ đứng về phía đám đông một cách tự nguyện, đem
ngòi bút của mình phụng sự cuộc kháng chiến kiến quốc. Họ hiểu rằng, vai trò
chiến sĩ của mình là cần thiết cả ở trên trận tuyến chống quân thù lẫn trong cuộc
cách mạng văn hóa là thay đổi ý thức dân tộc, nhận thức của cộng đồng là một sứ
mệnh vẻ vang.
Nói như nhà thơ
Xuân Diệu thì quãng thời gian để từ chỗ “không quan tâm, không chủ nghĩa” đến
chỗ hiểu được rằng: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi,
cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu
gian lao” là đoạn đường bỏ lại những “cái tôi riêng” nhỏ hẹp để đến với “cái ta
chung” rộng lớn. Đó là một giá trị mà cuộc sống hiện thực mới là nhân tố quan
trọng thay đổi và đào luyện nên họ.
3.
Các tác phẩm văn học - nghệ thuật là điểm tựa tinh thần quan trọng, là nguồn cổ
vũ, động viên nhân dân, là niềm tin để chiến thắng.
Chúng ta hiểu rằng
chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược không phải
chỉ bằng phương tiện vật chất mà cái chính vẫn là tinh thần ý chí của con người,
là tình yêu Tổ quốc.
Không khí nhà
nhà ra trận, người người ra trận ở bài thơ “Đường ra mặt trận” của Chính Hữu đã
nói lên dược khí thế cả nước đánh giặc một thời. Hay như bài thơ “Lá đỏ” của
Nguyễn Đình Thi miêu tả về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa rừng Trường Sơn của nhà thơ
với cô gái trên đường ra trận trong cánh rừng lá đỏ ào ào rụng xuống, lời thơ
không đao to búa lớn nhưng người đọc vẫn cảm thấy cả quê hương cùng ra trận và
tiên cảm được thắng lợi tất yếu của dân tộc với mục tiêu tiến về Sài Gòn, giải
phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
4.
Các tác phẩm văn học – nghệ thuật phản ánh phẩm chất chiến sĩ của người nghệ
sĩ.
Tham gia vào hai
cuộc kháng chiến, đội ngũ văn nghệ sĩ không chỉ thực hiện vai trò sáng tác, mà
họ còn trực tiếp cầm súng chiến đấu như những người lính thực thụ. Họ tham gia
kháng chiến cách mạng cũng là để cảm nhận được hiện thực nghiệt ngã đang phơi
bày trước mặt, đó là sự khốc liệt, hy sinh gian khổ mà những người lính phải đối
diện.
Ta có thể kể đến
Quang Dũng, một trong những gương mặt nhà thơ trẻ tiêu biểu trong thời kỳ kháng
chiến chống Pháp. Ông đã theo tiếng gọi của Đảng tham gia đoàn binh Tây Tiến (một
đơn vị quân đội thành lập năm 1947) với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết
sinh”.
Nhà thơ đã khắc
họa “ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm”. Ở đây, ta
thấy cái gian khổ của chiến tranh nhưng cũng cảm nhận được vẻ oai hùng, lãng mạn
của người lính. Cái lãng mạn đậm chất lính của họ làm dịu mát tâm hồn, tiếp cho
họ thêm sức mạnh, động lực để bước tiếp trên con đường hành quân trường kỳ.
Từ những luận điểm
trên có thể khẳng định rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ đã làm rất tốt nghĩa vụ đối với
kháng chiến cách mạng và hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của công dân đối với đất
nước. Họ đã tạo ra những tác phẩm đạt đến tầm vóc “tạc vào thế kỷ”, là “dáng đứng
Việt Nam” trong giai đoạn hào hùng nhất của lịch sử hiện đại. Những giá trị ấy
không bao giờ cũ.
Đ.Q