KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV ĐÃ HOÀN THÀNH TOÀN BỘ CHƯƠNG TRÌNH ĐỀ RA
Chiều ngày 15/11, tại Nhà Quốc hội, ngay sau khi bế mạc Kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội...
Chiều ngày 15/11, tại Nhà Quốc hội, ngay sau khi bế mạc Kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.
Tham dự họp báo có Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện các cục, vụ, đơn vị của các cơ quan quản lý báo chí trung ương; lãnh đạo, phóng viên của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.
Quốc hội thông qua 06 Luật, 13 Nghị quyết
Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, sau 21 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả: thông qua 06 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 07 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà trình bày báo cáo
Trong công tác lập pháp, các luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến gồm: Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Dự án Luật Giá (sửa đổi), Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Quyết sách phù hợp, chủ động và giám sát có hiệu quả
Đối với việc xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, sau khi xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội khẳng định dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng; quyết sách phù hợp, chủ động và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu đề ra.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết sau:
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023: Quốc hội đã quyết định mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó yêu cầu: Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Quang cảnh họp báo
Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Từ ngày 01/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở. Từ ngày 01/01/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị…
Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023: Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên quy định trong Luật, nghị quyết có liên quan; đề cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, kịp thời phân bổ, giao vốn để bảo đảm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn trong năm 2023....
Bên cạnh đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước đối với ông Trần Sỹ Thanh và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể do đã nhận nhiệm vụ khác; bầu Tổng Kiểm toán nhà nước và phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Quốc hội đề nghị các vị mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn nêu cao trách nhiệm, bản lĩnh, sớm nắm bắt công việc, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, bất cập để tạo bước phát triển mới trong các lĩnh vực được giao phụ trách, đóng góp vào sự phát triển chung, hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đáp ứng kỳ vọng của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân. Đồng thời, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng.
Chất vấn nhiều vấn đề mang tính thời sự, được cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thực hiện chức năng giám sát tối cao, trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với 03 Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ về các lĩnh vực: xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ, thanh tra. Các vấn đề được Quốc hội lựa chọn là “trúng và đúng”, là các vấn đề mang tính thời sự, được cử tri, Nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ. Các vị đại biểu Quốc hội đã nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nêu câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao. Các vị Bộ trưởng: Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời trực tiếp vào vấn đề được chất vấn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi trong thời gian tới. Các vị Phó Thủ tướng, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã tham gia giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết cụ thể về những việc phải làm và thời hạn hoàn thành để tạo chuyển biến thực sự đối với từng lĩnh vực được chất vấn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân cả nước. Đây cũng là cơ sở để Quốc hội giám sát lại và lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6.
Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, trong đó, yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu lực công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thường xuyên đánh giá hiệu quả thực thi các chính sách, pháp luật đã ban hành để kịp thời điều chỉnh những bất cập, mâu thuẫn; tập trung xây dựng chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng giai đoạn đối với các lĩnh vực trọng yếu như: năng lượng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản…, qua đó, nâng cao tối đa hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực đất nước để phát triển nhanh và bền vững.
Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2022 và cho rằng, mặc dù tình hình trong nước và thế giới bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, cạnh tranh chiến lược, xung đột, giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu, lạm phát ở nhiều nước tăng cao... nhưng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của từng cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu
Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cùng các đại biểu Quốc hội đã trả lời, giải đáp nhiều vấn đề các phóng viên, nhà báo quan tâm.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá cao các cơ quan thông tấn, báo chí đã phản ánh kịp thời, đầy đủ tới cử tri và nhân dân cả nước thông tin về Kỳ họp Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, báo chí đã kịp thời, truyền tải tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tới diễn đàn Quốc hội, tạo sự đồng thuận xã hội, tạo điều kiện để cử tri giám sát hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hy vọng các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, phản ánh trung thực, khách quan, đảm bảo thông tin về hoạt động của Quốc hội được chuyên sâu và thu hút, góp phần hình thành, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Quốc hội và Nhân dân, hướng tới một Quốc hội chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh phiên họp báo:
Ngay sau khi bế mạc Kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Các phóng viên báo chí đặt câu hỏi tại họp báo
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai trả lời các câu hỏi của phóng viên về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An giải đáp các vấn đề nhà báo quan tâm liên quan đến việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô và việc bổ sung thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Trần Văn Lâm trao đổi với các phóng viên báo chí về chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến trả lời câu hỏi của phóng viên, nhà báo về vấn đề biến động giá xăng, dầu
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao các cơ quan thông tấn, báo chí đã phản ánh kịp thời, đầy đủ tới cử tri và nhân dân cả nước thông tin về Kỳ họp Quốc hội./.
quochoi.vn