ĐẤU THẦU NẾU KHÔNG ĐƯỢC QUẢN LÝ CHẶT CHẼ SẼ TRỞ THÀNH MẢNH ĐẤT MÀU MỠ CHO THAM NHŨNG, TRỤC LỢI
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, đấu thầu nếu không được quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi. Vì ...
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, đấu thầu nếu không được quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi. Vì vậy, cần giám sát chặt chẽ, có chế tài xử phạt đối với các vi phạm, quy trách nhiệm cụ thể cho các cấp quản lý, từ chủ đầu tư, các địa phương cho đến Bộ ngành quản lý…
Luật Đấu thầu năm 2013 cùng với các luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là một trong 07 dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 này.
Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình tại Quốc hội cho thấy, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Các quy định về hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt còn thiếu cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu có các điều kiện mua sắm đặc thù hoặc mua sắm phục vụ phòng chống dịch bệnh, xây dựng công trình, dự án có quy mô lớn, cần đẩy nhanh tiến độ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công… Ngoài ra, hành vi “thông thầu”, “gian lận” vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi; năng lực, kinh nghiệm của một số người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu chưa đáp ứng yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Trước những bất cập trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật này. Theo chương trình, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là một trong 07 dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 này. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là đấu thầu nếu không được quy định và quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đấu thầu lần này cần tăng cường tính công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến gói thầu. Ngoài ra, cần có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ; có chế tài xử phạt đối với các vi phạm, quy trách nhiệm cụ thể cho các cấp quản lý, từ chủ đầu tư, các địa phương cho đến Bộ ngành quản lý…
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề cập về tình trạng chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu. Để phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, nhất là đối với những trường hợp cấp bách hoặc đối với những khoản chi nhỏ, Luật Đấu thầu đã quy định các trường hợp được chỉ định thầu, quy định các hạn mức để được áp dụng chỉ định thầu, loại dưới 100 triệu, dưới 500 triệu và dưới 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu diễn ra rất phức tạp trên thực tế và đã được thể hiện trong nhiều kết luận thanh tra, kết luận điều tra các vụ án, vụ việc.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy lấy ví dụ về một trường hợp được nêu nhiều trong thời gian vừa qua liên quan đến một bệnh viện đa khoa của tỉnh. Kết luận thanh tra của tỉnh đã chỉ rõ là tổng giá trị hàng hóa mua sắm chỉ hơn 95 tỷ đồng nhưng giám đốc bệnh viện đã ban hành tới 1.165 quyết định chỉ định thầu, với giá trị của mỗi gói thầu đều dưới 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, lợi dụng các quy định về chia tách hoặc gộp gói thầu, có những trường hợp chia nhỏ các gói thầu theo kiểu chia phần để mỗi nhà thầu thân hữu trúng một phần. Hoặc có trường hợp gom nhiều gói thầu nhỏ khác nhau lại để tạo thành một gói thầu hết sức phức tạp mà chỉ có một doanh nghiệp cụ thể mới có thể đáp ứng được, để từ đó tránh được những thủ tục đấu thầu thực sự cạnh tranh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đấu thầu nếu không được quy định và quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi. Liên tiếp các vụ việc sai phạm trong đấu thầu vừa qua bị khởi tố đã phản ánh một phần thực tế này. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị các cơ quan thanh tra điều tra, truy tố, xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là đối với những vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Ngoài ra, công khai sẽ được xem là giải pháp của mọi giải pháp, sẽ rất hữu hiệu để khắc phục tình trạng “đi đêm” trong đấu thầu vừa qua. Pháp luật hiện hành trong từng công đoạn đấu thầu đã có một số quy định về công khai nhưng chưa chặt chẽ, thậm chí còn những khoảng trống, kẽ hở dẫn đến việc có thể lách luật như trong thời gian vừa qua.
Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị tiếp tục rà soát để hoàn thiện và bảo đảm thực hiện chặt chẽ 6 công khai trong đấu thầu, bao gồm công khai về điều kiện được dự thầu; danh sách và năng lực của những nhà thầu; điều kiện được trúng thầu; quá trình chấm thầu; kết quả trúng thầu; kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhà thầu.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu quan điểm: So với Luật Đấu thầu năm 2013, dự án Luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế.
Đại biểu Siu Hương tán thành với quan điểm của cơ quan soạn thảo về việc chi định thầu là cần thiết trong một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, cần phải hạn chế các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu bởi cơ chế này tồn tại nhiều rủi ro về sự thiếu minh bạch, không tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng, tiềm ẩn xung đột lợi ích gây thất thoát lượng lớn ngân sách Nhà nước và chất lượng dự án không đảm bảo.
Đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai.
Để hoàn thiện hơn quy định pháp luật về chỉ định thầu, đại biểu Siu Hương đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật bãi bỏ quy định tại khoản 4 Điều 6 của Dự án: “Nhà thầu được chỉ định thầu không cần độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính” với chủ đầu tư, bên mời thầu, các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế... Bởi quy định này có thể tạo điều kiện cho các bên dựa vào mối quan hệ riêng để dễ thông đồng, dàn xếp với nhau thắng thầu, phục vụ lợi ích riêng mà không dựa trên uy tín và năng lực thực sự.
Đối với điểm d, khoản 1, Điều 21 của dự án Luật cần phải làm rõ nội hàm tính cấp bách của các dự án, gói thầu được triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Tránh tình trạng một số địa phương, đơn vị thường trình xin áp dụng cơ chế đặc biệt về an ninh, quốc phòng, biên giới lãnh thổ để được giao thầu thực hiện dự án cấp bách nhằm tránh phải đấu thầu công khai, hay khi xin “cơ chế riêng” thì cố chứng minh rằng dự án hết sức cấp bách nhưng sau đó lại ì ạch triển khai...
Theo đại biểu Siu Hương, chỉ định thầu tiềm ẩn nhiều rủi ro trục lợi chính sách, tính thiếu cạnh tranh, công bằng và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà thầu. Do đó, cần phải có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ; có chế tài xử phạt đối với các vi phạm, quy trách nhiệm cụ thể cho các cấp quản lý, từ chủ đầu tư, các địa phương cho đến Bộ ngành quản lý; xử lý nghiêm khi các tổ chức, cá nhân cố tình chỉ định thầu gây hậu quả nghiêm trọng làm thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, đại biểu Siu Hương đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật cân nhắc xem xét xây dựng cơ chế giám sát các trường hợp chỉ định thầu để đảm bảo hoạt động chỉ định thầu được tốt hơn, minh bạch hơn.
Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.
Bày tỏ quan điểm về nội dung trên, đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, trên thực tế thực hiện luật hiện hành năm 2013, đã có những trường hợp việc chỉ định thầu diễn ra dù không thuộc trường hợp chỉ định thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 do áp dụng cơ chế đặc biệt để thực hiện các dự án cấp bách để tránh việc đấu thầu. Tuy nhiên, một số nơi khi triển khai lại rất chậm tiến độ. Mặc khác, vấn đề quy định về hạn mức được chỉ định thầu cũng đã dẫn đến hiện tượng xé lẻ gói thầu, chia giai đoạn đầu tư để lạm dụng chỉ định thầu, trúng thầu.
Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Lý Thị Lan cho rằng, đối với những người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần phải xem xét kỹ lưỡng căn cứ trường hợp, điều kiện áp dụng chỉ định thầu khi đưa ra quyết định vì không ai khác người có thẩm quyền và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm pháp luật về quyết định của mình. Bên cạnh đó, cần tăng cường tính công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến gói thầu để người dân và các cơ quan thông tin, báo chí có thể tham gia theo dõi, giám sát, thanh tra để phát hiện vi phạm, sai sót về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu trái quy định.
Ngoài ra, đại biểu Lý Thị Lan cho rằng, cần sửa đổi quy định rõ ràng, cụ thể, chi tiết đối với dự án BT, BOT, đặc biệt các dự án về cơ sở hạ tầng. Cụ thể về quy trình lựa chọn nhà thầu, trình tự, thủ tục chỉ định, các điều kiện nhà đầu tư, nhà thầu phải đáp ứng và xử lý các sai phạm của nhà đầu tư, nhà thầu. Song hành với đó là cần sửa đổi giảm bớt các thủ tục rườm rà, không cần thiết trong quy trình đấu thầu; đưa ra những quy định rõ ràng hơn thế nào là gói thầu cấp bách, vì lợi ích quốc gia, đặc biệt và giảm bớt tình trạng chỉ định thầu đối với các công trình dùng ngân sách nhà nước. Không quy định về hạn mức chỉ định thầu, tránh tình trạng xé nhỏ gói thầu. Phải có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ, có chế tài xử phạt, trách nhiệm cụ thể đối với các cấp quản lý từ chủ đầu tư đến các bộ, ngành, địa phương./.
quochoi.vn