ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HIẾN KẾ THỰC HIỆN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG BIẾN ĐỘNG KHÓ LƯỜNG CỦA TÌNH HÌNH
Trong hai ngày 27-28/10, Quốc hội đã hoàn thành nội dung thảo luận về tình hình KT-XH và NSNN tại Kỳ họp thứ 4. Qua theo dõi cho thấy, các...
Trong hai ngày 27-28/10, Quốc hội đã hoàn thành nội dung thảo luận về tình hình KT-XH và NSNN tại Kỳ họp thứ 4. Qua theo dõi cho thấy, các đại biểu đều ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của năm 2022. Tuy nhiên vẫn còn đó những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình trong nước và quốc tế nên không thể chủ quan... là lưu ý của nhiều đại biểu Quốc hội, đồng thời đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Toàn cảnh phiên họp toàn thể hội trường của Quốc hội
Mong đợi Quốc hội, Chính phủ có ngay những hành động tháo gỡ khó khăn, bảo đảm đời sống cho người dân
Tại hội trường, các đại biểu đều thống nhất năm 2022 tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó những kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là rất đáng mừng. Theo nhận định của nhiều đại biểu về bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2022, sau 3/4 chặng đường ghi nhận nhiều điểm sáng về xuất khẩu, kiểm soát lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP…là chứng minh cho hướng đi riêng, linh hoạt và thích ứng trong chính sách điều hành của nước ta.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước vẫn còn những hạn chế, bất cập như thiếu hụt lao động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn, nhất là lao động chất lượng cao; thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; công tác quy hoạch còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Việc triển khai một số chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt tiến độ; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn…
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Các đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với nhóm 12 giải pháp của Chính phủ trình trước Quốc hội và nhấn mạnh cần ưu tiên giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô. Thống nhất với mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mà Chính phủ đề ra, đại biểu Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng các mục tiêu đề ra được xác định có cơ sở, quyết tâm, có tính đến bối cảnh, thách thức. Bên cạnh đó, một số ý kiến lưu ý thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, định hướng dòng vốn ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý trong ngắn hạn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa– Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết đa số cử tri đang chờ đợi và muốn được Quốc hội, Chính phủ hành động ngay để tháo gỡ khó khăn, khôi phục được năng lực và điều kiện hoạt động của ngành y tế như trước thời kỳ COVID-19. Những giải pháp này cần đồng bộ từ các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như các tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa– Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Đại biểu cũng lưu ý rằng mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là “ngày 3 bữa cơm và một 1 năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp”. Trước mắt để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức kể từ 1/1/2023, trong đó, ưu tiên quan tâm đến hai ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp. Các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn để chia sẻ khó khăn chung.
Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ tập trung “trả” dứt điểm một số “món nợ” tồn đọng từ nhiệm kỳ trước. Đại biểu chỉ rõ, một là, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững dựa trên kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cần chi phối và được thể hiện trong mọi mục tiêu tăng trưởng của mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong phân bổ mọi nguồn lực. Hai là giải quyết các dự án đầu tư thua lỗ, ngân hàng yếu kém và các khoản nợ xấu. Ba là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, sự trễ hẹn về đổi mới và hoàn thiện thể chế tạo ra lực cản và điểm nghẽn cho các mục tiêu phát triển.
Có biện pháp chủ động ứng phó với tình hình biến động, thách thức trong nước và thế giới
Có cùng nhận định như nhiều đại biểu dự báo tình hình của năm 2023 phải đối mặt với nguy cơ, thách thức của vòng xoáy lạm phát và suy thoái, nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng trong bối cảnh đó, không nên say sưa với thành công mà phải nhìn thẳng vào nguy cơ thách thức đang đặt ra phía trước. Là nền kinh tế có độ mở lớn, đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới thì việc vượt qua được vòng xoáy khủng hoảng của thế giới là một bài toán vô cùng khó, cần phải tìm ra lời giải, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Bày tỏ đồng tình với Chính phủ khi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức khoảng 6,5% trên nền tăng trưởng 8% của năm 2022, đại biểu cho rằng đây là mục tiêu khá cao nhưng vừa đủ để phấn đấu. Về các nhiệm vụ giải pháp, đại biểu Hoàng Văn Cường đặc biệt nhấn mạnh về việc phải tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước; chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế; chuẩn bị nguồn lực đủ lớn để tăng đầu tư công năm 2023; tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang và hạn chế khởi công mới, dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ưu tiên đặt hàng là công nghiệp đường sắt, hậu cần vận tải biển, công nghiệp thông tin phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia.
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Bên cạnh việc thực hiện một cách linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, giữ vững kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cũng lưu ý chú trọng khu vực động lực tăng trưởng trong nước, nhất là dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng mạnh vào cuối năm. Đồng thời, đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong triển khai các chính sách đã ban hành, đánh giá đúng nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế. Xem xét cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế phục hồi nhanh và phát triển bền vững, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định phát triển trong nền kinh tế dài hạn.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng đề nghị công khai, minh bạch các thông tin về công tác điều hành giá nhất là đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh các thông tin thất thiệt, gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu đến mặt bằng giá cả. Phát huy trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị gắn với quản lý khoa học, nhất là người đứng đầu nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Phát huy và khai thác tốt hơn nữa vai trò của kinh tế đối ngoại nhằm tiếp tục duy trì vững chắc khả năng chống chịu, thích ứng linh hoạt của khu vực này trong bối cảnh quốc tế đã xuất hiện xu thế bảo hộ trong nước, sức mua tiêu dùng, vấn đề việc làm, thu nhập của người dân các nước trên thế giới suy giảm sâu.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh
Giải bài toàn thiếu vốn cho nền kinh tế
Đặt vấn đề làm thế nào để giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế và không làm đứt gãy đà tăng trưởng đang được duy trì khá tốt từ đầu năm đến nay, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ đề nghị tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững. Các dự án cần được rà soát kỹ, có tính khả thi cao, hết sức tránh việc cung tiền chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao.
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng lên, các tổ chức tín dụng cần chia sẻ khó khăn chung của nền kinh tế, chấp nhận thu hẹp biên lãi ròng nghiêm bằng cách nâng cao năng lực quản trị tài chính và đẩy mạnh đầu tư để cắt giảm chi phí và đảm bảo ổn định lãi suất cho vay.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ
Quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp đại biểu Nguyễn Như So – Đoàn ĐQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng bối cảnh trong nước và thế giới ở những tháng cuối năm 2022 và của năm 20203 đặt ra bài toán làm thế nào tại các doanh nghiệp chuẩn bị được sức khỏe, hạn chế tác động từ bên ngoài và phát triển vững mạnh, trở thành nòng cốt cho phát triển kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Như So cho rằng cần tập trung ưu tiên tháo gỡ rào cản, nút thắt về thể chế, đặc biệt là hai chỉ số kém cạnh tranh nhất, nhất là hoạt động của khu vực công và quyền tài sản, bao gồm cả sở hữu trí tuệ và chất lượng hành chính, đất đai nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh, gia tăng niềm tin của doanh nghiệp và dân chúng. Xây dựng các chính sách đặc thù, nhất quán về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm khơi dậy sức mạnh nội lực của khối doanh nghiệp nội địa.
Đại biểu Nguyễn Như So – Đoàn ĐQH tỉnh Bắc Ninh
Cũng theo đại biểu Nguyễn Như So, điều hành linh hoạt chính sách tài khóa tiền tệ, bám sát với tình hình thực tiễn, hướng dòng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế phục vụ cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu mở rộng những đối tượng, ngành nghề hỗ trợ, tối giản rút ngắn thủ tục, đẩy mạnh gói giải ngân hỗ trợ trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế theo Nghị quyết 43 nhằm nâng cao khả năng hấp thụ của các chính sách hỗ trợ, tạo nguồn lực để cho doanh nghiệp phát triển.
quochoi.vn