BIỂU TÌNH Ở MYANMAR - “MÓN QUÀ DÂN CHỦ” MÀ VIỆT NAM TỪ CHỐI

Cuộc đảo chính Myanmar bắt đầu vào sáng ngày 1 tháng 2 năm 2021 khi các thành viên đắc cử thông qua bầu chọn dân chủ thuộc đảng cầm quyền ...


Cuộc đảo chính Myanmar bắt đầu vào sáng ngày 1 tháng 2 năm 2021 khi các thành viên đắc cử thông qua bầu chọn dân chủ thuộc đảng cầm quyền Myanmar (Liên minh Quốc gia vì dân chủ) bị Quân đội Myanmar phế truất. Cuộc đảo chính đã trao quyền lực vào tay chính quyền quân đội, lập ra cơ quan lãnh đạo lâm thời có tên là Ủy ban lãnh đạo Nhà nước, đứng đầu là Tổng Tư lệnh Quân đội Min Aung Hlaing.




Cuộc đảo chính của quân đội Myanmar làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong đông đảo người dân Myanmar, những người đang chờ đợi vào quá trình ổn định quốc gia sau nhiều thập kỷ bị quân đội nắm quyền và họ đã biểu tình rầm rộ để phản đối đảo chính. Các cuộc biểu tình tại Myanmar đã khiến hàng trăm người chết và bị thương, các công trình lớn bị phá hủy, sản xuất ở nhiều thành phố bị đình trệ, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Người dân Myanmar đang vô cùng lo lắng và tuyệt vọng khi tình hình hiện tại vẫn rối ren, chưa có hồi kết.

Cùng với chia sẻ lập trường chung Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Việt Nam hướng về Myanmar với mong muốn các bên kiềm chế, không sử dụng vũ lực, thông qua đối ngoại hòa bình để giải quyết các bất đồng, sớm ổn định, vì lợi ích của Nhân dân Myanmar và vì hòa bình khu vực, thế giới.

Thế nhưng, thật sự khó hiểu, các thế lực thù địch, phản động liên tục lợi dụng, coi đây là một cái cớ để tấn công chống phá chính quyền. Chúng so sánh khập khiễng những vấn đề dân chủ ở Myanmar với Việt Nam, từ đó vu cáo, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, rêu rao vô số thông tin, luận điệu sai lệch, kích động Nhân dân biểu tình, bạo loạn, đứng lên thay đổi “cách mạng” theo con đường mà chúng đã vạch sẵn. Những nhóm “loa làng” trong giới “dân chủ” thi nhau tung hô, cổ vũ, gọi đây là “hình mẫu lý tưởng” để người dân Việt Nam học theo? Một số kẻ “tự nhục” và đặt câu hỏi “Bài toán dân chủ tại Việt Nam chừng nào mới có lời giải đáp?”. Đơn cử, Việt Tân trích lời của Đỗ Thị Thu - vợ của “nhà hoạt động” Trịnh Bá Phương: “Em thấy hành động của những người Miến Điện rất là dũng cảm, còn đối với Việt Nam thì em nghĩ là chưa đến lúc. Ở Việt Nam mình thì mọi người vẫn như mê muội về bộ mặt của bọn cộng sản nên vẫn quá ít người, không đủ nhân lực để mình biểu tình”; hay như Vũ Đức Khanh - một kẻ mang danh luật sư mất gốc lại cho rằng: “Chính quyền cộng sản Việt Nam đã thành công tạo ra một xã hội nơi đó con người không còn đề cao những giá trị tinh thần và quyền con người, để chỉ biết hưởng thụ vật chất”; còn Trang Tập hợp Dân chủ đa nguyên thì không giấu nổi hoan hỉ, tràn trề hy vọng vào những đợt sóng cả hỗn loạn tại Myanmar sắp ập tới Việt Nam: “Đình công bắt đầu lan rộng ở Myanmar, chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng; cần đặc biệt chú ý những biến động tại Myanmar, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều xét lại này, một cuộc cách mạng ở Myanmar có thể tác động rất mạnh tới Việt Nam”… Rõ là RFA, Việt Tân hay Tập hợp Dân chủ đa nguyên đều quá trơ chẽn.

Than ôi! Thật vô lý làm sao khi biểu tình đẫm máu, bạo loạn triền miên lại được coi là thước đo về dân chủ? Nếu vậy, “món quà” mà các “nhà dân chủ”, “nhà đấu tranh về nhân quyền” ngợi ca từ thực tiễn tàn khốc ở Myanmar, Việt Nam xin được từ chối.

Là quốc gia thấu hiểu sâu sắc, rõ ràng về những đau thương, mất mát mà chiến tranh đem lại. Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh xương máu để có được nền hòa bình, độc lập như hiện nay. Theo thống kê, có đến 1.146.250 liệt sỹ trên cả nước hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, nếu nói về đấu tranh cho dân chủ, cho quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc chẳng phải con số kể trên chính là cái giá phải trả để có được nền hòa bình, dân chủ hôm nay? Chẳng phải một đất nước đã trải qua lịch sử máu lửa đan bom không ai sánh bằng còn cần áp dụng “bài toán dân chủ” biểu tình, bạo loạn? Không có lý do gì để người dân Việt Nam phải “học đòi” Myanmar hay Hồng Kông, Syria về cái gọi là “dân chủ, nhân quyền”. Chỉ có những kẻ “thần kinh”, “hoang tưởng” mới xúi giục người Việt Nam đạp đổ nền hòa bình hiện tại.

Đúng! Nhân dân cả nước đều thấy rằng: Việt Nam chưa hề hoàn hảo, Việt Nam còn nhiều vấn đề phải làm, còn những tiêu cực, còn cán bộ thoái hóa, biến chất. Nhưng, ngày hôm nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt, nền dân chủ của Việt Nam được củng cố, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao, các quyền của con người được đảm bảo. Đặc biệt, qua đợt dịch Covid-19, các đợt thiên tai, qua quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và những thành tựu đạt được. Đảng nào, chính quyền nào thực sự vì dân nhất? Đừng quên rằng: Trong bức tranh ảm đạm của kinh tế toàn cầu Việt Nam vẫn là điểm sáng hiếm hoi, là một đất nước được cả thế giới đánh giá rất cao và ngưỡng mộ. Vậy nên, đừng khua môi múa mép, đừng kích động, chống phá, đừng làm con rối cho những “bàn tay đen”. Nếu thật sự yêu nước, hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; không ngừng học tập, rèn luyện để tỉnh táo trước những âm mưu chống phá của kẻ địch trong thời bình; một lòng góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Và nếu thật sự yêu nước, hãy tự hào khi là một người con đất Việt./.

Related

Quốc tế 4313688766506640039

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item