HIỂM HỌA THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ “TẤN CÔNG” HỌC ĐƯỜNG

       Thực trạng phổ biến hiện nay, hình ảnh thanh thiếu niên trong lứa tuổi học đường sử dụng thuốc lá điện tử đã không còn xa lạ. Các bạ...

     Thực trạng phổ biến hiện nay, hình ảnh thanh thiếu niên trong lứa tuổi học đường sử dụng thuốc lá điện tử đã không còn xa lạ. Các bạn trẻ coi đây như một trào lưu thời thượng, thể hiện sự sành điệu của bản thân. Nhưng các em không thể lường hết những hệ lụy khôn lường gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của các em.

Bằng những lời quảng cáo không gây hại cho sức khỏe, tạo mùi thơm miệng, sành điệu, đánh trúng vào tâm lý của lứa tuổi mới lớn, thuốc lá điện tử đang trở thành trào lưu ngày càng xâm nhập, len lỏi sâu vào trường học. Mùi thơm từ tinh dầu tỏa ra cùng làn khói bắt mắt khi hút thuốc lá điện tử hấp dẫn hơn so với hút thuốc lá thông thường. Đồng thời, thuốc lá điện tử hiện nay được bán trên mạng tràn lan, nhiều chủng loại có thể mua một cách dễ dàng, chỉ cần đặt mua sẽ có người “ship” tới tận nơi.Do đó, nhiều học sinh đã mua và sử dụngloại thuốc lá mới này. 

Khi hút thuốc lá điện tử, học sinh có thể mắc phải một số bệnh lý về đường hô hấp như viêm: Tiểu phế quản tắc nghẽn, bệnh viêm phổi, tràn khí màng phổi, suy giảm chức năng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... do trong thuốc lá điện tử có rất nhiều hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người. Ngoài ra, một số hóa chất độc hại như nicotine, carbon monoxide trong khói thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ… các kim loại nặng (như niken và chì) có thể gây các thay đổi tế bào dẫn đến ung thư. Khói từ thuốc lá điện tử cũng gây hại cho sức khỏe của những người xung quanh. Khi hít phải các chất độc hại trong thuốc lá cũng sẽ nguy cơ mắc ung thư và tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, đột quỵ.

Điều làm cho thuốc lá điện tử nguy hiểm hơn thuốc lá thông thường là có thể sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất, mùi vị. Thông qua việc pha trộn, người sử dụng có thể thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để tăng cảm giác của người dùng, gây ra những hệ lụy khôn lường… nếu hút thuốc lá điện tử trong thời gian dài sẽ gây nghiện và có thể gây ra những rối loạn nhận thức, rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần. Học sinh sử dụng thuốc lá điện tử thường có biểu hiện giảm chú ý và tập trung, khả năng đưa ra quyết định kém, thay đổi tính cách và có nhiều hành động thất thường.Theo Bộ Y tế, chỉ tính riêng năm 2023, có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Đáng nói, trong số đó xét nghiệm nhiều mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy.

Hiện nay, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo điều tra, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-15 vào năm 2022 là 3,5%, (trong đó học sinh nam là 4,3%; học sinh nữ là 2,8%) so với năm 2019 là 2,6%. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở nhóm tuổi 15-24 (chiếm 7,3%) so với các nhóm 25-44 tuổi (chiếm 3,2%) và nhóm 45-64 tuổi (chiếm 1,4%).

(Ảnh minh họa)


Việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới là một hiểm hoạ với nhiều hệ luỵ xã hội, đặc biệt là với giới trẻ, học sinh sinh viên. Nhận thấy tính cấp thiết của vấn đề này, tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về triển khai các quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.

Trước khi các quy định của pháp luật được ban hành, biện pháp trước mắt và hữu hiệu nhất là sự phối hợp tuyên truyền, vận động, quản lý của cả gia đình, nhà trường và cộng đồng. Trong đó, vai trò của gia đình là rất quan trọng. Phụ huynh cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe và giám sát trong các sinh hoạt, cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt. Đồng thời phối hợp cùng nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, các mối quan hệ của trẻ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, nên liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm. Bên cạnh đó, nhà trường và cộng đồng cần mở rộng việc trang bị kiến thức về cách phòng tránh và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện cho học sinh, nhà trường cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học...


(Ảnh minh họa)

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và sự chung tay của toàn xã hội, hy vọng tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử sẽ sớm được loại bỏ khỏi môi trường học đường, xã hội.

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item