Việt Nam nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực giữa Biển Đông, tiếp tục khẳng định quyền của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế

Sáng 17/7/2024 (theo giờ địa phương), tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việ...

Sáng 17/7/2024 (theo giờ địa phương), tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cùng Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Đại sứ Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia làm Trưởng đoàn, đã chính thức nộp Hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực Giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS).


Ảnh: Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nộp Hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực Giữa Biển Đông cho đại diện Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS).

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao đã ra Tuyên bố về việc Việt Nam nộp Đệ trình nêu trên.

Việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý là để thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), được quy định tại Điều 76 của UNCLOS. Theo đó, khi quốc gia ven biển có thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, quốc gia ven biển cần phải nộp Đệ trình về các thông tin và dữ liệu liên quan để CLCS xem xét và ra khuyến nghị về ranh giới của thềm lục địa mở rộng.

Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông là đệ trình thứ ba của Việt Nam. Vào tháng 5/2009, Việt Nam đã nộp Đệ trình riêng về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Bắc Biển Đông và nộp Đệ trình chung với Malaysia về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý đối với khu vực Nam Biển Đông.

Trong Công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông, Việt Nam một lần nữa khẳng định việc nộp Đệ trình này sẽ không ảnh hưởng tới việc phân định biển giữa Việt Nam và các nước ven biển liên quan trên cơ sở UNCLOS.

Cùng ngày, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã gửi Công hàm tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc để bày tỏ lập trường của Việt Nam về việc Philippines nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Biển Đông vào ngày 14/6/2024.

Việc làm trên, tiếp tục khẳng định rằng Việt Nam ủng hộ và đang tiến hành giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, và bằng những giải pháp, biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Là quốc gia thành viên UNCLOS và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.

 Việc làm trên cũng đập tan luận điệu, xuyên tạc của các “nhà dân chủ”, thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân khi bọn chúng cho rằng “Đảng, Nhà nước Việt Nam không hành động để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bán biển đảo…”, “biển, đảo bị chiếm hết rồi” nhằm kích động dư luận trong và ngoài nước chống lại Đảng, Nhà nước, chế độ. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đấu tranh khẳng định lại lập trường nguyên tắc của Việt Nam về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định trên cơ sở UNCLOS năm 1982. Công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông sẽ còn kéo dài, không thể nóng vội, kết hợp giữa các biện pháp ngoại giao, pháp lý, dân sự và quân sự, kinh tế… Mỗi người dân chúng ta cần chung sức, đồng lòng, tin tưởng vào chiến lược, sách lược bảo vệ chủ quyền biển đảo dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước./.

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item