Hôm nay, ngày 05 tháng 6 là Ngày Môi trường thế giới
Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, ki...
Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật
thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội,
sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên. Hoạt động bảo vệ
môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường, ứng
phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất
lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng
phó với biến đổi khí hậu. Khi chúng ta cùng chung tay bảo vệ môi trường, chúng
ta sẽ được sống trong bầu không khí trong sạch và an toàn, từ đó giảm thiểu đối
đa các vấn đề sức khoẻ, duy trì tính đa dạng của hệ sinh thái, ngăn chặn và giảm
thiểu tác động từ thiên tai và biến đổi khí hậu, con người được sống trong môi
trường xanh, sạch, đẹp, cuộc sống mạnh khoẻ và ý nghĩa hơn…
Trong những năm qua, trên thế giới đã chứng kiến
rất nhiều sự kiện cực đoan do tác động của con người vào môi trường tự nhiên
như: Lũ lụt tàn phá ở Úc, Châu Âu, Châu Á và Đông Bắc Hoa Kỳ; đám cháy Dixie khổng
lồ của California, xoáy nước vùng cực của Hoa Kỳ làm tê liệt Texas với nhiệt độ
lạnh giá và mất điện trên diện rộng…
Việt Nam với
quy mô dân số hiện tại là 99.448.852 người, tổng diện tích đất là 310.060 km2
hiện đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn về bảo vệ môi trường.
Hiểm hoạ môi trường sinh thái ở nước ta dưới tác động của quá trình công nghiệp
hoá, hiện đại hoá, biến đổi khí hậu, nhất là mâu thuẫn giữa phát triển và lạc hậu,
do ảnh hưởng nặng nề của nếp suy nghĩ, nếp làm thói quen của người sản xuất nhỏ
tiểu nông chưa hoàn thiện, có thể kể đến như: Trước năm 1945 rừng bao phủ chiếm
tỷ lệ 43,8%, hiện nay chỉ còn hơn 28% (tức là dưới mức báo động 30%), diện tích
đất trồng trọt đang bị sói mòn tăng mạnh lên khoảng 13,4 triệu, nồng độ khí thải
CO2 nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp vượt tiêu chuẩn cho phép từ
1,5 đến 2,5 lần… Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê số vụ vi phạm môi trường đã
được xử lý giai đoạn 2012-2021 tăng hơn 5,7 lần, từ 2.438 vụ năm 2012 lên
14.042 vụ năm 2021 với số tiền xử phạt tăng gần 7,6 lần. Theo Điều 4, Nghị định
số 45/2022/NĐ-CP, ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường “Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm
hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể bị phạt tiền tối đa là
1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức”.
Bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên,
chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biển đổi khí hậu luôn là vấn đề được
Đảng và Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều chủ trương chính sách, xử lý kịp thời
những vấn đề đặt ra. Trong điều kiện mới hiện nay, nhất là từ cuối năm 2019, đại
dịch Covid-19 đã lan rộng sang phạm vi toàn cầu, tác động sâu rộng đến kinh tế,
chính trị, thể chế và được xác định là thách thức lớn nhất của nhân loại sau
Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, đại dịch cũng được xác định liên quan
đến vấn đề môi trường. Điều này cho thấy để đạt được mục tiêu phát triển nhanh
và bền vững về kinh tế xã hội cần gắn bó mật thiết với bảo vệ môi trường. Trong
những năm gần đây kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức cao của khu vực và thế giới
(tăng 2,9 vào năm 2020 sau đại dịch Covid-19; GPD tăng 5,05%, vào năm 2023, vượt
cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021)…Chính phủ chủ
trương không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, toàn Đảng toàn dân đang
ra sức thực hiện các kế hoạch hành động cụ thể để bảo vệ môi trường, mỗi cá
nhân cũng có thể thực hiện những hành động nhỏ để bảo vệ môi trường như: Không
xả rác bừa bãi, hạn chế sử dụng túi nilông, tái chế đồ dùng hàng ngày, tiết kiệm
điện, nước và giấy, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường…Vì một Việt
Nam xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi
cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân./.