Cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tiền qua khóa tu mùa hè “ảo”; mạo danh “Trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND” và “Trại hè học kỳ Quân đội”…

  Học sinh cả nước đã bước vào thời điểm kết thúc năm học, đây cũng là khoảng thời gian các bậc cha mẹ đi tìm các khóa học hè cho con em. ...

 


Học sinh cả nước đã bước vào thời điểm kết thúc năm học, đây cũng là khoảng thời gian các bậc cha mẹ đi tìm các khóa học hè cho con em. Các khóa học ngày càng đa dạng, từ nhà trường cho đến trung tâm dạy năng khiếu, liên kết với các ngành chức năng như Công an, Quân đội hoặc các chùa, cơ sở thờ tự… Tuy nhiên, một số đối tượng xấu đã lợi dụng sự nhẹ dạ của phụ huynh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nắm bắt xu hướng trên, gần đây đã xuất hiện việc một số đối tượng lừa đảo tạo các tài khoản trên mạng xã hội Facebook như “Trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND”, “Trại hè học kỳ Quân đội”, “Tu sinh mùa hè”... với giao diện, địa chỉ, số điện thoại giống với thông tin của các cơ quan Công an, Quân đội… Các tài khoản này giới thiệu có kết nối các đơn vị Công an, Quân đội trên toàn quốc, các chùa... Học viên tham gia được trải nghiệm môi trường đào tạo của lực lượng CAND, QĐND, tu tập theo đạo phật…; được hỗ trợ ăn uống, đồng phục, học các kỹ năng và chứng nhận của các đơn vị Công an, Quân đội.



Phương thức, thủ đoạn chung của các trang Facebook giả mạo là đổi tên từ các page cũ có sẵn lượt theo dõi cao hoặc lập mới hoàn toàn theo tên gọi của các đơn vị như: Học viện CSND, Trại hè kỹ năng-Trại hè CAND, Khóa tu mùa hè…Và ở mục thông tin giới thiệu có thông tin địa điểm là trụ sở làm việc của các đơn vị Công an, dẫn link đến các trang web chính thống của lực lượng Công an, Quân đội; đăng tải các hình ảnh, bài viết từ các trang chính thống của lực lượng Công an, Quân đội; lấy toàn bộ logo, bài viết, hình ảnh... được copy từ trang web, Facebook, fanpage chính của nhà trường; các hình ảnh về hoạt động của các khóa tu đã diễn ra trước đây…

Khi phụ huynh đăng ký tham gia chương trình, các đối tượng cung cấp mã ứng tuyển của học viên và số điện thoại Zalo của tư vấn viên, dẫn dắt truy cập vào Zalo, Telegram để đăng ký thông tin cá nhân. Sau khi đăng ký thông tin cá nhân, các đối tượng yêu cầu phụ huynh tham gia nhóm Telegram thực hiện các nhiệm vụ đóng tiền rồi chiếm đoạt tài sản.

Khi người dân có nhu cầu, đối tượng dẫn dụ nạn nhân cho số điện thoại và chuyển sang các app nhắn tin như Zalo, Telegram để che giấu hành tung, đồng thời tạo nhiều tài khoản giả mạo tham gia cùng để tạo hiệu ứng đám đông, tạo niềm tin cho nạn nhân. Do tin tưởng nội dung các trang Facebook trên là đúng sự thật, nhiều người dân đã chuyển tiền để đăng ký cho con em mình tham gia khóa học, tuy nhiên sau khi chuyển tiền xong thì đối tượng liền chiếm đoạt và chặn liên lạc.

Hoặc một thủ đoạn khác là đối tượng yêu cầu nạn nhân thực hiện các nhiệm vụ đơn giản, không mất phí nhưng được trả số tiền nhỏ 20.000 đồng, 30.000 đồng, tiếp đến là các nhiệm vụ và thực sự được hoàn tiền nhưng khi số tiền tăng dần thì chúng bắt đầu tìm các lí do để trì hoãn, yêu cầu nạn nhân chuyển thêm để được hoàn tiền nhiều hơn nếu không sẽ mất trắng.

Cụ thể, khi nghiên cứu các khóa tu mùa hè cho con, chị H (trú tại Hà Nội) có kết nối với tài khoản facebook “Tu Sinh Mùa Hè” để đăng ký. Sau đó, một người xưng là “Trưởng ban Tu sinh” gọi cho chị H, giới thiệu, cung cấp số và ảnh căn cước công dân để tạo niềm tin.

Đối tượng đưa chị H vào nhóm trên mạng xã hội Telegram và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy nhằm tăng tương tác cho công ty vật phẩm phong thủy - nhà tài trợ chính cho khóa tu. Khi mua vật phẩm, sau 3- 5 phút công ty sẽ hoàn lại tiền cho phụ huynh. Sau nhiều lần mua và được hoàn lại tiền, chị H được yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn với lý do: Sai thao tác, không chụp ảnh vật phẩm, phải hoàn thành thao tác, điểm tín nhiệm. Chỉ trong vòng 2 ngày, chị H đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng. Sau đó, chị mới biết đã bị lừa và đến Công an thành phố Hà Nội trình báo

Để tránh bị lừa đảo, phụ huynh học sinh có nhu cầu đăng ký cho con tham gia chương trình trại hè học làm chiến sĩ Công an, Quân đội hoặc tu sinh cần cẩn trọng khi tìm hiểu thông tin về các khóa học trên mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Người dân khi nhận được thông tin từ các trang Facebook có nội dung tương tự như trên, cần điện thoại liên hệ và gặp trực tiếp yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh họ là tổ chức hợp pháp và được phép tổ chức các sự kiện trên để đăng ký. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền.

Người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa, tuyên truyền cho người thân. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.

Related

Trong nước 1431661285428844490

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item