BẢO VỆ TRẺ EM TRONG THỜI ĐẠI “THẾ GIỚI SỐ” HIỆN NAY

  Trong thời đại công nghệ số phát triển vượt bậc như hiện nay, việc truy cập Internet, sử dụng các thiết bị công nghệ đã trở nên phổ biến v...

 Trong thời đại công nghệ số phát triển vượt bậc như hiện nay, việc truy cập Internet, sử dụng các thiết bị công nghệ đã trở nên phổ biến và gần như không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà thế giới số mang lại, tuy nhiên với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng với những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến chúng ta ngày càng đứng trước nguy cơ bị xâm hại, nhất là trẻ em. Theo kết quả khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12-13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14-15 là 93%. Thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông năm 2022, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 35% dân số, 2/3 trẻ em tiếp cận thiết bị kết nối Internet để học tập, giải trí, sinh hoạt hàng ngày; Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em đã nghi nhận 1.500 cuộc gọi can thiệp, hỗ trợ trong đó có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên không gian mạng.... Vì vậy, đặt ra nhiều thách thức, nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ em như:

Trẻ em dễ dàng tiếp cận với các nội dung không phù hợp như bạo lực, tình dục và các thông tin sai lệch trên Internet. Những nội dung này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.

Mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác là nơi dễ dàng xảy ra các hành vi bắt nạt, quấy rối và xúc phạm. Trẻ em, với sự ngây thơ và thiếu kinh nghiệm, thường là đối tượng dễ bị tổn thương.

Trẻ em dễ bị lừa đảo qua các chiêu trò trực tuyến như giả mạo danh tính, yêu cầu thông tin cá nhân hay tài chính. Điều này có thể dẫn đến mất mát tài sản hoặc các hậu quả nghiêm trọng khác.

Sự hấp dẫn của các trò chơi trực tuyến, mạng xã hội và các ứng dụng giải trí có thể khiến trẻ em bị nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập.


Bảo vệ trẻ em trong thế giới số là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó không thể thiếu vai trò của pháp luật. Hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có rất nhiều quy định pháp lý bảo vệ an toàn trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng như: Luật trẻ em năm 2016; Luật tiếp cận thông tin năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018, trong đó Luật trẻ em có các điều luật nghiêm cấm cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em; Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ


em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 07 tuổi trở lên…Luật An ninh mạng quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. Các chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin hoặc trên dịch vụ không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em. Mọi hành vi vi phạm về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em với mức xử phạt từ 10.000.000đ đến 30.000.000đ hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015. Bên cạnh những “Lá chắn pháp luật” bảo vệ trẻ em, thì Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, thầy cô, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm:

Giáo dục và nâng cao nhận thức cho trẻ em về sử dụng Internet một cách an toàn và có trách nhiệm. Cần hướng dẫn trẻ em cách nhận biết và đối phó với các nguy cơ tiềm ẩn trên mạng.

Cha mẹ nên sử dụng các công cụ kiểm soát, giám sát hoạt động trực tuyến của trẻ. Các phần mềm kiểm soát nội dung và thời gian sử dụng có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi các nội dung không phù hợp và ngăn chặn tình trạng nghiện công nghệ.

Cần khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, thể thao, và giao tiếp trực tiếp với bạn bè. Điều này giúp trẻ phát triển toàn diện và giảm bớt thời gian tiếp xúc với màn hình.

Giúp trẻ phát triển các kỹ năng sống, bao gồm kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Những kỹ năng này giúp trẻ tự tin và mạnh mẽ hơn khi đối diện với các tình huống khó khăn trong thế giới số

Tạo một môi trường mở, nơi trẻ cảm thấy an toàn khi chia sẻ về những trải nghiệm trực tuyến của mình. Điều này giúp phát hiện sớm các vấn đề và có biện pháp xử lý kịp thời

Bảo vệ trẻ em trong thế giới số là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để tạo nên một môi trường số an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Chỉ khi đó, trẻ em mới có thể tận hưởng trọn vẹn những lợi ích mà công nghệ mang lại, đồng thời tránh được những nguy cơ tiềm ẩn. Sự quan tâm, bảo vệ đúng đắn hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện và an toàn của thế hệ tương lai

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item