CAO THỦ CHỐT SỐ LÔ SỐ ĐỀ THỜI ĐẠI 4.0 VÀ CÁI KẾT

Dưới sự phát triển của công nghệ 4.0, các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ thông qua các hành vi vay, mượn tiền, tài sản đơn ...



Dưới sự phát triển của công nghệ 4.0, các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ thông qua các hành vi vay, mượn tiền, tài sản đơn thuần mà đã biến tướng dưới nhiều dạng hành vi khác phức tạp và tinh vi hơn, đặc biệt là thông qua mạng xã hội.

Điển hình như trong tháng 6/2021, các cơ quan chức năng huyện Ba Bể tỉnh Bắc Kạn, nhận được đơn đề nghị giải quyết của ông B.H.C cư trú tại huyện Ba Bể, nội dung đơn trình bày: Ngày 13/6/2021, ông C lên Facebook vào trang “cao thủ chốt số lô, số đề” thấy họ đăng số tham khảo lô đề nên ông C cũng đăng một bài viết trong nhóm nhằm mục đích comment vui, sau đó được một nick Facebook là “Quỳnh Nhung” nhắn tin hỏi về số ông C đã đăng hôm nay có đánh được không, ông C trả lời đánh được. Đến khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày Facebook Quỳnh Nhung nhắn tin cho ông C với nội dung đã trúng lô 400 điểm và 500.000 tiền xiên lô và bảo ông C cho số tài khoản ngân hàng để gửi chút lộc. Ông C đã gửi số tài khoản ngân hàng, sau đó nick Facebook Quỳnh Nhung có gửi một đường link và yêu cầu làm theo để nhận tiền hoa hồng. Ông C đã làm theo sau khi hoàn tất thì phát hiện tài khoản ngân hàng của mình đã bị mất số tiền là 61.000.000đ. Thấy tiền bị mất ông C có liên lạc với nick Facebook Quỳnh Nhung nhưng không được và thấy nick Facebook đã bị xóa, còn số tiền trên đã chuyển đến số tài khoản của ngân hàng BIBV mang tên L.N.H.

Có thể thấy, đặc điểm chung của những dạng thủ đoạn này là đánh vào lòng tham của các nạn nhân, như việc không cần mất phí vẫn nhận được phần quà giá trị lớn, đưa ra mức lãi suất đầu tư siêu lợi nhuận. Các dạng thủ đoạn này nguy hiểm và dễ dẫn dụ người dùng MXH vì thực hiện có hệ thống, có sự bàn bạc và cấu kết thực hiện một cách bài bản, một số sàn giao dịch tiền ảo đã phát triển thành các ứng dụng (app) có thể đăng ký, nạp tiền, sử dụng dễ dàng ngay trên 1 chiếc điện thoại thông minh, khả năng tiếp cận dễ dàng với các ứng dụng này giúp cho các đối tượng có một số lượng “con mồi” đông đảo. Tính cá nhân trong việc sử dụng các ứng dụng khiến cho hành vi lừa đảo khó bị phát hiện hơn, người dùng khi bị thua lỗ thường không dám nói ra ngoài, có tâm lý cố gắng “hồi vốn” và ngày càng mất nhiều tiền cho các ứng dụng lừa đảo.

Từ thực tiễn có thể nhận diện 6 phương thức, thủ đoạn chủ yếu của dạng tội phạm này:

Thứ nhất, các đối tượng sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, gây sức ép, yêu cầu khác nhau như phục vụ điều tra, làm người dân hoang mang, từ đó phải chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp.

Thứ hai, lừa đảo qua các mạng xã hội, cụ thể như: Chiếm quyền điều khiển tài khoản MXH của người bị hại, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; kết bạn qua MXH và hứa hẹn gửi quà có giá trị... sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan nhằm chiếm đoạt tiền; hoặc gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo, Viber... thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng.

Thứ ba, tấn công mạng để chiếm đoạt thông tin, tài khoản, cụ thể như: Tấn công hộp thư điện tử, thay đổi nội dung các thư điện tử, nội dung các giao dịch, hợp đồng thương mại để chiếm đoạt tài sản; hoặc giả mạo các trang thông tin điện tử, các dịch vụ trực tuyến để lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng và rút tiền.

Thứ tư, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện tử như: mở các trang cá nhân bán hàng online, order hàng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng thường khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Thứ năm, thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản), tự lập hoặc đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch để chiếm đoạt tiền đầu tư.

Thứ sáu, giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng của người dân để chiếm đoạt tài sản.

Để không bị lừa đảo không gian mạng, đề nghị mọi người dân khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin các nhân trên MXH. Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. Không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết để tránh bị lừa “Tiền mất tật mang”./.

 


Related

Trong nước 311182288910775645

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item