PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ, CÔNG AN
Trong thời gian gần đây, khi các địa phương trong cả nước đang thực hiện công tác khám sức khỏe để tuyển chọn công dân tham gia nghĩa vụ Q...
Trong thời gian gần đây, khi các địa phương trong cả nước đang thực hiện công tác khám sức khỏe để tuyển chọn công dân tham gia nghĩa vụ Quân sự, Công an, nắm được tình hình đó các thế lực thù địch và phản động lưu vong đang ráo riết tung ra các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ chính sách nghĩa vụ Quân sự, Công an của Nhà nước. Những thông tin sai trái, những hình ảnh, video cắt ghép nhằm bóp méo sự thật đang được lan truyền với mục đích làm mất lòng tin của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, những luận điệu này không chỉ sai lệch mà còn nhằm phá hoại sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Theo
quy định tại Hiến pháp năm 2013, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng
liêng và quyền cao quý của mỗi công dân Việt Nam. Việc thực hiện nghĩa vụ Quân
sự, Công an không chỉ là sự chấp hành pháp luật mà còn thể hiện lòng yêu nước
và trách nhiệm đối với dân tộc. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng, sự tồn tại
và phát triển của đất nước luôn gắn liền với tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường
và lòng quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền.
Ngày
nay, trong thời bình, lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân không chỉ
đảm nhận vai trò bảo vệ Tổ quốc mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển
kinh tế, xã hội. Hình ảnh các chiến sĩ cùng người dân vượt qua thiên tai, dịch
bệnh, bảo vệ biên giới, vùng sâu, vùng xa là minh chứng sống động cho tinh thần
"vì nhân dân phục vụ".
Các
thế lực thù địch thường lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, cho rằng nghĩa vụ
Quân sự, Công an là hành động "ép buộc", làm mất thời gian và cơ hội
phát triển cá nhân của thanh niên. Thực tế, đây là những quan điểm phiến diện
và sai lệch. Nghĩa vụ Quân sự, Công an không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cơ hội
rèn luyện ý chí, tinh thần, đạo đức, trách nhiệm của mỗi người trẻ.
Nhiều
quốc gia trên thế giới cũng có chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc như Thụy
Sĩ, Hàn Quốc, Singapore. Ở Thụy Sĩ, công dân nam từ 19 tuổi phải nhập ngũ và phục
vụ tối thiểu 260 ngày. Hàn Quốc yêu cầu thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự
21 tháng, bất kể họ là người nổi tiếng hay không. Những điều đấy chứng tỏ rằng
nghĩa vụ quân sự không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà là một chính sách phổ biến để
xây dựng và củng cố quốc phòng.
Những
luận điệu xuyên tạc rằng Việt Nam "bắt ép" người dân tham gia nghĩa vụ
quân sự là hoàn toàn sai sự thật. Ở Việt Nam, việc thực hiện nghĩa vụ Quân sự,
Công an được quy định rõ trong luật pháp, đảm bảo công bằng và minh bạch. Chỉ
những người đủ điều kiện sức khỏe, có sự chuẩn bị đầy đủ về thể chất và tinh thần
mới tham gia. Những trường hợp không đủ điều kiện đều được miễn hoặc hoãn nghĩa
vụ theo đúng quy định.
Bên
cạnh những luận điệu xuyên tạc, chúng ta cần nhận diện rõ ràng mục đích của các
thế lực thù địch: chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy yếu ý thức trách
nhiệm của thế hệ trẻ đối với Tổ quốc. Vì vậy, mỗi người dân, đặc biệt là thanh
niên, cần nhận thức đúng đắn về nghĩa vụ Quân sự, Công an. Đây không chỉ là
trách nhiệm mà còn là cơ hội để thể hiện lòng yêu nước, xây dựng và bảo vệ quê
hương. Hơn nữa, việc thực hiện nghĩa vụ Quân sự, Công an không chỉ mang lại lợi
ích cho quốc gia mà còn giúp thanh niên rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng sống, tinh
thần đoàn kết và ý chí vươn lên. Đây là những giá trị cần thiết để mỗi người trẻ
có thể phát triển toàn diện, đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
đất nước.
Việc
thực hiện nghĩa vụ Quân sự, Công an là trách nhiệm, là quyền lợi và là niềm tự
hào của mỗi công dân Việt Nam. Những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ chính sách
này cần được nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Mỗi người dân, mỗi gia
đình cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo vệ sự thật, đồng lòng góp sức
vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Chỉ khi đoàn kết, chúng ta mới có
thể giữ vững hòa bình, độc lập và tạo dựng tương lai tươi sáng cho thế hệ mai
sau./.