Phúc thẩm vụ Đồng Tâm: Lê Đình Công thừa nhận nhiều lần góp tiền để chống cảnh sát
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Lê Đình Công thừa nhận đã góp tiền cho việc chống lại cảnh sát; chế tạo 4 chai bom xăng; bàn bạc và sau đó nhờ...
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Lê Đình Công thừa nhận đã góp tiền cho việc chống lại cảnh sát; chế tạo 4 chai bom xăng; bàn bạc và sau đó nhờ người mua lựu đạn...
Sáng
8/3, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với 6
bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án “Giết người," “Chống người thi hành
công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Chủ tọa
phiên tòa là thẩm phán Ngô Tự Học. 11 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo
và 2 luật sư khác tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phía bị hại là
gia đình ba cảnh sát hy sinh ở Đồng Tâm.
Tại
phiên tòa phúc thẩm, Lê Đình Công được khai báo đầu tiên và cho biết, trước
vụ án này, bản thân từng bị phạt 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Trong vụ
án này, cấp sơ thẩm xác định, Lê Đình Công là người giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu,
thường xuyên lôi kéo, kích động, kêu gọi chống đối, tổ chức các cuộc họp bàn,
tung các video clip, ghi hình và phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội
tuyên bố giết chết từ 300-500 chiến sỹ công an… Bị cáo Công tích cực chuẩn bị
công cụ, phương tiện và phân công vị trí, nhiệm vụ cho các bị cáo khác; là người
chỉ đạo và góp tiền mua xăng, mua lựu đạn, hướng dẫn các bị cáo khác và trực tiếp
làm bom xăng, bùi nhùi; đồng thời trực tiếp thực hiện hành vi ném bom xăng, lựu
đạn về phía lực lượng chức năng.
Tại
phiên tòa sáng nay, ban đầu, Công xin thay đổi kháng cáo từ xin giảm nhẹ hình
phạt sang kêu oan vì cho rằng cấp sơ thẩm quy kết bị cáo là chủ mưu, bàn bạc việc
chống đối cảnh sát, giết người… là sai. Sau đó, bị cáo này dừng kêu oan, chỉ
xin giảm nhẹ hình phạt, xem xét tội danh và nêu quan điểm, bản thân chỉ có hành
vi chống người thi hành công vụ. Bị cáo Công khai, khi ông Lê Đình Kình
(đã mất) thành lập Tổ đồng thuận nhằm mục đích không cho cơ quan chức năng thu
hồi đất tại Đồng Sênh (ở Đồng Tâm), Công đã tham gia.
Lê Đình
Công cho biết, bố mình là ông Lê Đình Kình thành lập Tổ đồng thuận nhằm
“giữ đất” Đồng Sênh. Công nhiều lần livestream và từng dọa sẽ giết 300 cảnh sát
nếu họ tiến vào thôn Hoành. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Lê Đình Công cũng thừa
nhận đã góp tiền cho việc chống lại cảnh sát; chế tạo 4 chai bom xăng; bàn bạc
và sau đó nhờ người mua lựu đạn... Bị cáo cũng thừa nhận từng lên mạng, đe dọa
sẽ giết 300 cảnh sát nếu họ tiến vào Đồng Tâm nhưng lý giải: “Lúc đó, bị cáo
không biết công an sẽ về và nói vì chỉ mong khi thu hồi đất phải có giấy tờ chứ
không phải muốn chống đối”.
Ngày
9/1/2020, khi lực lượng chức năng vào thôn Hoành đã bị chống đối và sau đó 3 cảnh
sát bị ngã xuống hố, bị thiêu nên hy sinh. Về việc này, Công khai không biết
và người sát hại họ là Lê Đình Chức. Chức dùng dao chọc, đổ xăng đốt; Công
không bàn bạc, cổ vũ. Bị cáo này khẳng định, vào sáng hôm xảy ra vụ án, chỉ
livestream để hô hào mọi người ra Đồng Sênh giữ đất.
Do đó,
Lê Đình Công cho rằng, mình chỉ có hành vi chống người thi hành công vụ. Tuy
nhiên, khi trả lời xét hỏi, bị cáo lại khai đã ném lựu đạn cùng 2 chai bom xăng
vào cảnh sát.
Chủ tọa
đặt câu hỏi, bị cáo có biết khi ném bom xăng, lựu đạn có khả năng làm chết nhiều
người? Lê Đình Công cho biết, khi ném lựu đạn đã không rút chốt và bom chỉ
có 2/3 chai là xăng.
“Bị cáo
nhiều tuổi rồi, phải biết ném bom xăng vào nhiều người như vậy sẽ nguy hiểm, có
khả năng giết người thế nào” – chủ tọa Ngô Tự Học nói.
Trước
đó, sau khi phiên tòa sơ thẩm, tuyên án đối với 29 bị cáo trong vụ án này, Tòa
án Nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của 5 bị cáo gồm: Lê
Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến và Bùi
Thị Nối. Trong đơn kháng cáo, 5 bị cáo cho rằng mức hình phạt mà tòa cấp sơ thẩm
đã tuyên đối với 5 bị cáo là nặng, đồng thời đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét
các tình tiết trong vụ án nhằm giảm nhẹ hình phạt cho 5 bị cáo.
Riêng bị
cáo Bùi Thị Nối (bị tuyên phạt 6 năm tù về tội chống người thi hành công vụ)
không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm nên đã có đơn kháng cáo đề nghị
Hội đồng xét xử xem xét lại cho mình.
Tại
phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên
phạt về cùng tội “Giết người” đối với 5 bị cáo: Lê Đình Công, Lê Đình Chức lĩnh
án tử hình; Lê Đình Doanh bị phạt tù chung thân; Bùi Viết Hiểu 16 năm tù; Nguyễn
Quốc Tiến 13 năm tù. Ngoài ra, cùng bị tuyên án về tội “Giết người” còn có bị
cáo Nguyễn Văn Tuyển bị tòa tuyên phạt 12 năm tù. 23 bị cáo còn lại bị Hội đồng
xét xử tuyên phạt các mức án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù về tội “Chống người
thi hành công vụ."
Bản án
sơ thẩm nhận định đây là vụ án hình sự nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị
cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, bất chấp pháp luật, coi thường kỷ cương
phép nước, ngang nhiên xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước và chính
quyền địa phương, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, đặc biệt là những
người đang thi hành công vụ. Hội đồng xét xử cho rằng, các bị cáo thực hiện
hành vi vô cùng dã man, tàn bạo và mất hết tính người, các bị cáo đã dùng xăng
đốt làm ba cán bộ, chiến sỹ công an hy sinh. Hành vi của hai bị cáo
này không còn khả năng cải tạo, nên cần thiết phải áp dụng mức hình phạt
nghiêm khắc nhất của khung hình phạt, loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội để
đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa
chung./.
Theo VOV.VN