TRÁCH NHIỆM CỦA MỖI CÔNG DÂN TRONG VIỆC LAN TỎA THÔNG TIN TÍCH CỰC
Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội trở thành một kênh thông tin, giải trí phổ biến được hầu hết mọi người sử dụng bởi ưu ...
Với sự phát triển
mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội trở thành một kênh thông tin, giải trí phổ biến
được hầu hết mọi người sử dụng bởi ưu điểm về khả năng kết nối, tương tác nhanh
và rất nhiều nội dung hấp dẫn. Bên cạnh đó, đây cũng là môi trường để các thế lực
thù địch, phần tử xấu lợi dụng tuyên truyền thông tin nội dung xấu, độc, quan
điểm sai trái, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; các nội dung công
kích bôi nhọ cá nhân, tổ chức, xúc phạm danh dự và nhân phẩm cá nhân, thông tin
sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Với
tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, việc lan
tỏa các thông tin tích cực, chính thống trên mạng xã hội trở thành yêu cầu thường
xuyên, liên tục của các cấp, ngành, tổ chức và cá nhân. Để đạt hiệu quả trong
việc lan toả thông tin tích cực thì mỗi công dân cũng cần có trách nhiệm trong
việc chia sẻ thông tin.
Chúng ta thường
được nghe nhiều về việc lan tỏa thông tin tích cực, nhưng thông tin tích cực là
gì hay trách nhiệm của công dân trong vấn đề này như thế nào thì không phải ai
cũng hiểu rõ. Vậy, thế nào là thông tin tích cực? Chúng ta có thể hiểu thông
tin tích cực là thông tin đúng đắn, chính xác về một sự việc, một nhân vật, một
mô hình, một giải pháp hay, có ý nghĩa, có giá trị; thông tin đó có thể đem lại
cho người đọc những nhận thức, tình cảm tốt đẹp; có thể thúc đẩy người tiếp nhận
có suy nghĩ tích cực, từ đó có hành vi tích cực; cung cấp cho người đọc những
kiến thức, nhận thức đúng đắn, phù hợp, có ý nghĩa thiết thực… Ví dụ “báo
chí đưa tin về việc anh Nguyễn Văn A (32 tuổi) và vợ là chị Hoàng Thị B (29 tuổi),
thường trú tại phường La Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, trong quá trình
lao động, sinh hoạt đã nhặt được một túi sách trong đó có các giấy tờ tuỳ thân
và số tiền gần 50 triệu đồng, vợ chồng anh chị đã chủ động đến cơ quan Công an trình
báo tìm cách trả lại người đánh rơi. Anh A là người khuyết tật, đang mưu sinh bằng
nghề bán vé số”. Việc câu chuyện này được chia sẻ sẽ thúc đẩy suy nghĩ tốt
đẹp, lương thiện trong những người tiếp nhận.
Ngoài ví dụ
trên, chúng ta có thể hiểu thông tin tích cực có thể là thông tin xác định rõ một
vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau hoặc bác bỏ một thông tin sai trái đang
được lưu truyền; hoặc là thông tin giải đáp được thắc mắc, nghi vấn của nhiều
người về một vấn đề nào đó; thông tin tích cực giúp củng cố lòng tin đối với tổ
chức, cá nhân, dư luận xã hội… Ví dụ như việc đưa tin cảnh báo về những vụ việc
lừa đảo qua mạng hay thông tin khẳng định tính chính xác về tình hình dịch bệnh,
thiên tai, thông tin sai lệch về “ngày tận thế” ... được các trang mạng, trang tin
rác của “báo lá cải” đưa tin. Vì vậy mỗi công dân cần tiếp nhận thông tin có chọn
lọc; lựa chọn thông tin tích cực, chính xác để chia sẻ.
Mỗi công dân phải
có trách nhiệm trong việc chia sẻ thông tin tích cực. Mỗi người trước khi chia
sẻ phải có tư duy phản biện, thẩm định, đánh giá, phân tích, đối chiếu, so
sánh… khi tiếp nhận thông tin. Phải xác định không phải thông tin nào được lan
truyền rộng rãi, được nhiều người đọc và chia sẻ cũng là thông tin chính xác,
đúng đắn. Do đó, cần thiết phải tìm cách khẳng định tính xác thực của thông tin
chứ không dễ dàng tin theo và chia sẻ khi chưa xác định rõ mức độ tin cậy, tính
xác thực của thông tin. Tuyệt đối không nên xác định thông tin theo cách “thông
tin do trên mạng nói”, do cá nhân, tổ chức kia phát biểu mà phải căn cứ trên những
nguồn thông tin chính thức, chính thống do truyền hình quốc gia, hoặc những
trang thông tin của Nhà nước, Chính phủ đưa tin. Cần phải chú ý chọn lọc thông
tin kỹ càng để chia sẻ. Mỗi người phải luôn ý thức rằng thông tin của mình sẽ
có người đọc và ít nhiều tạo ra sự tác động, nên phải chọn lọc thông tin tốt nhất,
hay nhất, có ích nhất, ý nghĩa nhất để chia sẻ.
Mỗi người có thể
sử dụng tài khoản mạng xã hội hoặc trang mạng internet cá nhân của mình để chia
sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho gia đình, người thân, bạn
bè và cho xã hội. Điều này, có thể được thực hiện dễ dàng bởi hầu hết chúng ta
đều có ít nhất một tài khoản mạng xã hội; một số người còn có nhiều tài khoản như:
facebook, instagram, zalo, twitter…
Chúng ta cũng có
thể chia sẻ những thông tin tích cực trên các nền tảng mạng xã hội, trang cộng
đồng (fanpage), nhóm (group)… những thông tin mà mình có căn cứ xác thực cho là
đúng đắn, chính xác để có sức lan tỏa nhanh hơn, rộng hơn. Chẳng hạn, khi có
căn cứ bác bỏ một thông tin chưa đúng, chúng ta có thể đưa thông tin đó vào các
trang, nhóm gia đình, bạn bè đang theo dõi để tạo sức lan tỏa nhanh hơn, rộng
hơn, kịp thời đưa thông tin chính xác đến với mọi người.
Cổng thông tin điện
tử Bộ Công an, trang thông tin hữu ích (Địa chỉ: https://bocongan.gov.vn)
Trong điều kiện
của mình, mỗi cá nhân nên tuyên truyền, động viên để người thân, gia đình và bạn
bè hiểu rõ và thực hiện các quy chuẩn, quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng internet
và mạng xã hội. Với những công dân làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp,
hay các môi trường tập thể thì càng phải nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc
lan toả thông tin tích cực hoặc tuyên truyền đến người thân chấp hành đúng các
quy định của pháp luật trong việc chia sẻ thông tin.
Tóm lại, mỗi
công dân phải luôn gương mẫu, chuẩn mực khi phát ngôn, đăng tải hình ảnh, chia
sẻ thông tin trên mạng xã hội. Phải luôn ý thức rằng mỗi thông tin, mỗi trạng
thái trên mạng xã hội phải là những thông tin tích cực, đúng pháp luật, không
vi phạm quy chuẩn thuần phong mỹ tục của đất nước. Bởi trách nhiệm lan tỏa
thông tin tích cực và tìm cách hạn chế, đẩy lùi các thông tin tiêu cực, thông
tin xấu độc không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà là trách nhiệm của
mỗi người dân và toàn xã hội. Việc chia sẻ thông tin sai sự thật, thông tin xấu
độc, làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh./.