CẢNH GIÁC TRƯỚC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ QUY ĐỊNH XÁC THỰC TÀI KHOẢN MẠNG XÃ HỘI BẰNG SỐ ĐIỆN THOẠI
Thời gian gần đây tình trạng lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội diễn ra thường xuyên với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đánh tr...
Thời gian gần đây tình trạng lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội diễn ra thường xuyên với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đánh trúng tâm lý nhẹ dạ cả tin một bộ phận người dân. Không khó để bắt gặp các đối tượng dùng thủ đoạn hack tài khoản mạng xã hội của nạn nhân, chiếm quyền sử dụng rồi dùng chính tài khoản đó để liên lạc với bạn bè, người quen của nạn nhân để vay mượn tiền, gửi những đường link giả mạo ngân hàng hoặc những dòng tin nhắn trên nền tảng mạng xã hội facebook, zalo, telegram với nội dung như: “Chào bạn, tôi là Piter tôi muốn gửi tặng vàng, tiền đô la cho bạn, đề nghị bạn truy cập vào đường link này và thực hiện theo hướng dẫn đồng thời chuyển tiền làm lệ phí thủ tục hải quan”; hay những nhóm kín làm nhiệm vụ, nhận hoa hồng theo kiểu “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Để thực hiện những vụ việc lừa đảo trên mạng xã hội, đa phần các đối tượng thường sử dụng sim rác, lập ra những tài khoản ảo, từ đó dẫn đến việc khi xảy ra những vụ việc trên lực lượng chức năng rất khó để truy vết nguồn gốc, địa chỉ của những tài khoản đó và đến khi xác định được thì các đối tượng đã “cao chạy, xa bay”.
Bên cạnh những vụ việc trên, số đối tượng phản động, chống đối chính trị còn triệt để lợi dụng mạng xã hội nhất là Facebook để đăng tải, tán phát nhiều tài liệu, hình ảnh, video clip, thậm chí livestream để tuyên truyền thông tin sai sự thật, mang tính chất quy chụp, đan cài thật - giả, kích thích sự suy diễn, vu khống nội bộ ta có “bè phái, đấu đá, mất đoàn kết”, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quy kết về bản chất của chế độ ta... Các tài khoản trên hoạt động theo nhóm, cấu kết, phụ họa, “tung hứng” cho nhau, thường để chế độ “mở” cho phép theo dõi kết bạn, lôi kéo người tham gia nhằm mục đích khuếch trương thanh thế, lực lượng. Việc nhận diện các tài khoản, đối tượng này không phức tạp, nhưng công tác đấu tranh ngăn chặn trên thực tế gặp nhiều khó khăn vì khó yêu cầu Facebook hợp tác ngay, ngăn chặn kịp thời.
Hình ảnh: Một số luận điệu xuyên tạc được các thế lực thù địch, phản động đăng tải
Trước những diễn biến, tình hình phức tạp liên quan đến tội phạm lừa đảo qua mạng và hoạt động lợi dụng không gian mạng lập các kênh thông tin điện tử cá nhân trên mạng internet và các tài khoản phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, Chính đã phủ ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin mạng thay thế cho Nghị định 72/2013 và 27/2018. Theo đó, tại Điểm e khoản 3 Điều 23 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam nhằm đảm bảo chỉ những tài khoản được xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Quy định về thực hiện việc định danh, đăng ký sử dụng tài khoản mạng xã hội đối với tất cả các cá nhân hay tổ chức góp phần phân loại, cô lập, hạn chế và phát hiện các đối tượng dùng tài khoản “ảo”, “nặc danh” để xuyên tạc, kích động, gây rối, chống phá Đảng và Nhà nước ta, mặt khác, hạn chế được tội phạm công nghệ cao lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng.
Tuy nhiên, ngay sau khi Nghị định được ban hành, các thế lực thù địch, phản động đã nhanh chóng đưa ra các luận điệu xuyên tạc nhằm mục đích hướng lái dư luận hiểu sai về quy định này như: quy định này gây khó khăn cho công dân trong quá trình sử dụng mạng xã hội, là rào cản trong kinh doanh, làm khó doanh nghiệp. Thậm chí chúng bịa đặt quy định này “xâm phạm quyền tự do ngôn luận”, “xâm phạm quyền riêng tư”, dễ gây lộ lọt thông tin cá nhân, “không còn ẩn danh sẽ bịt miệng người dân nói lên quan điểm của mình”. Đây hoàn toàn là những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ. Toàn bộ nội dung Nghị định hướng đến bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bình thường, hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân, tránh tình trạng lộ lọt, mất thông tin người dùng. Chỉ các hành vi chống phá đất nước, vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân mới bị đấu tranh, xử lý.
Các cơ quan chức năng luôn trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp có trách nhiệm, mang tính xây dựng để các chính sách, pháp luật ngày càng được hoàn thiện, nhưng cũng kiên quyết trong công tác đấu tranh, xử lý với các hành vi chống phá Đảng, Nhà nước hoặc các hành vi gây bất ổn cho xã hội. Việc tôn trọng và chấp hành luật là bổn phận, trách nhiệm của mỗi công dân. Hãy cảnh giác, không để mắc mưu các phần tử xấu trước những luận điệu xuyên tạc, xúi giục, kích động và tiêu cực, vì an ninh, an toàn cho chính chúng ta và vì sự ổn định, phát triển của đất nước.