Không được thờ ơ với bảo vệ dữ liệu cá nhân

  Trong bối cảnh chuyển đổi số tăng trưởng mạnh mẽ thì dữ liệu cá nhân của mỗi người ngày càng được sử dụng trên nhiều ứng dụng. Vì thế, ngu...

 

Trong bối cảnh chuyển đổi số tăng trưởng mạnh mẽ thì dữ liệu cá nhân của mỗi người ngày càng được sử dụng trên nhiều ứng dụng. Vì thế, nguy cơ lộ lọt, bị mua bán dữ liệu cá nhân cũng tăng lên. Bảo vệ dữ liệu cá nhân trước tiên là việc của chính mỗi cá nhân.


Trên cơ sở những quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự đã cụ thể hóa quyền về sự riêng tư của cá nhân và quy định các chế tài xử lý nghiêm minh. Ðồng thời việc bảo vệ quyền về sự riêng tư nói chung, quyền đối với dữ liệu cá nhân nói riêng tiếp tục được cụ thể hóa trong các văn bản luật và nghị định khác nhau, tiêu biểu có thể kể đến như: Luật An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định số 52/2013/NÐ-CP về thương mại điện tử...

Bắt đầu từ ngày 01/7/2023, Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân do Chính phủ ban hành (Nghị định số 13/2023/NÐ-CP) quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chính thức có hiệu lực. Ðây là một trong những nỗ lực góp phần thúc đẩy, bảo vệ quyền riêng tư của công dân, trong đó có việc ngăn chặn tình trạng mất cắp dữ liệu cá nhân đang diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Nghị định số 13/2023/NÐ-CP đã quy định rất rõ và toàn diện về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, không phải cán bộ, đảng viên, người dân nào cũng biết, cũng hiểu và nhận thức đúng về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa như Bắc Kạn có tỷ lệ người trưởng thành có điện thoại thông minh đứng top 20 cả nước, nhưng nhận thức về dữ liệu cá nhân còn chưa cao. Người dân rất dễ mắc phải những “bẫy” để lấy dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Đó có thể là các chương trình khuyến mại, bán hàng giá rẻ, hình ảnh đồi trụy yêu cầu đăng nhập… Có không ít người dân vẫn cung cấp tùy tiện thông tin cá nhân của mình đặc biệt là trên mạng xã hội.

Như vậy, để bảo vệ dữ liệu cá nhân thì trước hết mỗi cá nhân phải có trách nhiệm tự bảo vệ. Phải trở thành người thông thái trên môi trường mạng, cẩn trọng và có những quyết định đúng trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân đối với những ứng dụng không phải do chính quyền cấp và vận hành.

Tại Nghị định 13/2023/NÐ-CP, quyền của chủ thể dữ liệu được quy định bao gồm: Quyền được biết, quyền đồng ý, quyền truy cập, quyền rút lại sự đồng ý, quyền xóa dữ liệu, quyền hạn chế xử lý dữ liệu, quyền cung cấp dữ liệu, quyền phản đối xử lý dữ liệu, quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, quyền tự bảo vệ. Tuy nhiên, những quyền nêu trên sẽ bị hạn chế trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của cá nhân hoặc người khác; tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; phòng, chống bạo loạn, khủng bố... (Ðiều 17).

Vấn đề ở đây là phải làm tốt công tác tuyên truyền để giúp người dân nâng cao ý thức về bảo vệ thông tin cá nhân của mình, coi thông tin cá nhân cũng là giá trị, là tài sản của mỗi cá nhân, và việc bảo vệ thông tin cá nhân cũng chính là bảo vệ mình trước rủi ro trên không gian mạng. Mỗi cá nhân cũng cần quan tâm nghiên cứu, nâng cao nhận thức về quyền chủ thể dữ liệu và những hạn chế trong trường hợp khẩn cấp đối với quyền chủ thể dữ liệu. Trên không gian mạng cần sử dụng mật khẩu mạnh cho mọi tài khoản, cùng với đó là dùng xác thực nhiều lớp, không đăng nhập vào các thiết bị công cộng hay thiết bị lạ và nên cài đặt phần mềm diệt virus cho các thiết bị số. Khi các cá nhân bị lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân thì kịp thời báo cho mạng dịch vụ đang sử dụng để xử lý kịp thời, các trường hợp khác liên quan đến vi phạm pháp luật thì báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời giải quyết./.

 

Related

Luận bàn 4006468903357557296

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Facebook

ĐƯỢC QUAN TÂM

Nhận xét

item