THÁNG NĂM! NHỚ NGÀY SINH CỦA BÁC
Cứ mỗi độ tháng Năm về, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với tấm lòng thành kính, trân tr...
Cứ mỗi độ tháng Năm về, mỗi người dân
Việt Nam đều nhớ đến ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với tấm
lòng thành kính, trân trọng và biết ơn!
Tuy nhiên, trong những ngày này, trên các trang mạng xã
hội, cũng là dịp để các phần tử phản động với những luận điệu xuyên tạc bôi xấu
thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Chúng phủ nhận công lao của Bác, bịa đặt, tạo
dựng nên những câu chuyện về thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng nhằm bôi
nhọ, hạ thấp nhân cách, uy tín của Người. Chúng muốn tầm thường hóa lãnh tụ,
phủ nhận nhân cách và công lao to lớn của Bác đối với sự nghiệp cách mạng của
Đảng, của dân tộc.
Ngày 5/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên 21
tuổi Nguyễn Tất Thành với 2 bàn tay trắng nhưng với lòng yêu nước nồng nàn đã
ra đi tìm đường cứu nước để giải phóng dân tộc khỏi ách lầm than nô lệ. Người
đã đi khắp năm châu, bốn biển với đầy khó khăn, cơ cực, hiểm nguy trước sự truy
lùng để thủ tiêu của bọn đế quốc, thực dân. Để đảm
bảo an toàn trước sự truy lùng gắt gao của bọn mật thám, Bác đã phải khéo léo che
giấu thân phận của bản thân mình. Bác nhiều lần đổi tên, thay đổi năm
sinh để hoạt động cách mạng được bí mật, an toàn nhằm tìm ra con
đường đúng đắn để cứu nước, cứu dân. Do vậy, Bác không công bố ngày sinh của
mình để hoạt động bí mật cũng là điều dễ hiểu.
Chỉ đến khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời năm 1945, Nhà nước công nông
đầu tiên được thành lập, ngày sinh của Bác được công khai là điều mà bất kỳ
ai cũng có thể hiểu được.
78 năm về trước, ngày 19/5/1946, lần đầu tiên Nhân dân Việt
Nam kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước đó, ngày 18/5/1946, trên
trang nhất tờ báo Cứu Quốc xuất bản tại Hà Nội có đăng một bài báo đặc biệt với
tựa đề: “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”. Bài báo đã chính thức công bố
ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày 19 tháng này, 56 năm trước đây
(1890), đã ra đời một người: Hồ Chí Minh”. Nhưng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở
vào tuổi năm mươi sáu lúc ấy, sự quan tâm lớn nhất của Người là đất nước mới
giành được độc lập đang lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, bị bao vây tứ
phía, kẻ thù lăm le xâm lược trở lại, nền độc lập của Việt Nam chưa có ai công
nhận, quyền tự do dân chủ của Nhân dân và của cả dân tộc đang đứng trước nguy
cơ bị cướp đoạt.
Trong bối cảnh này, việc kỷ niệm ngày
sinh của Người mang ý nghĩa biểu thị khối đại đoàn kết của toàn dân xung quanh
vị lãnh tụ - người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam. Cũng trong bối cảnh
ấy, việc tổ chức kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một
“sáng kiến” ngoại giao rất quan trọng, góp phần làm ý đồ ban đầu muốn tìm cách
gây hấn của giới thực dân Pháp tạm phải gác lại. Ngay sau ngày mừng sinh nhật
lần đầu tiên ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hành chuyến công du lịch sử, phá vỡ
thế trận bao vây cô lập của thực dân đế quốc đối với nước Việt Nam Dân chủ cộng
hòa non trẻ.
Kê từ dịp đó, ngày 19/5 chính thức được
xác nhận là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và cùng từ đó, vào những dịp
sinh nhật Bác, đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế lại gửi tới Người những bó
hoa tươi thắm và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Nhưng hằng năm, cứ đến dịp
kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là
không nên tổ chức chúc thọ linh đình. Vì Người sợ tốn thì giờ, tiền
bạc của Nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc kháng chiến của dân tộc còn nhiều
khó khăn, gian khổ. Gần như đã thành nếp, sau ngày 19/5 hàng năm,
Người đều có thư hoặc gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, các cơ quan đoàn thể
trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Người những tình cảm tốt
đẹp, thân thiết và nhất là những món quà ý nghĩa về thành tích mới
trong lao động, sản xuất, chiến đấu của đồng bào cả nước nhân ngày sinh của
Người. Bác còn dặn chuyển những lẵng hoa đẹp, các món quà mà các nơi gửi đến biếu Bác
để tặng cho các đơn vị bộ đội, công an, thanh niên xung
phong...
Trong suốt 23 năm, kể từ ngày 19 tháng
5 năm 1946, năm đầu tiên Nhân dân ta tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Bác, đến
ngày 19 tháng 5 năm 1969, trước khi từ biệt thế giới này, Chủ tịch Hồ Chí Minh
không dành riêng cho mình bất cứ một thứ gì, suốt đời Người dành cho độc lập
dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Trong suốt 23
năm, qua mỗi dịp sinh nhật Bác, hình ảnh của Người, những câu chuyện về Người
luôn là những bài học sâu sắc về một nhân cách lớn, một tấm lòng và đạo đức
cách mạng sáng ngời. “Hồ Chủ tịch đã qua đời. Nhưng Người luôn luôn dẫn dắt
chúng ta. Chúng ta vẫn cảm thấy có Người luôn luôn bên cạnh. Bởi vì chúng ta
vẫn đi theo con đường của Người, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Người. Người vẫn
sống mãi với non sông đất nước, tên tuổi và hình ảnh của Người
ngày càng khắc sâu trong trái tim, khối óc của mỗi chúng ta”.
Có thể thấy rằng,
những luận điệu xuyên tạc nhằm hạ thấp vai trò, uy tín, nhân cách Chủ tịch Hồ Chí
Minh của các thế lực thù địch, phản động không mới nhưng rất nguy hiểm, nhằm
hạ bệ thần tượng, phủ nhận công tao to lớn của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta. Mọi người dân cần nêu
cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết vạch trần và
lên án bác bỏ mọi thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật vê chủ tịch Hồ
Chí Minh nói chung, ngày sinh của Người nói riêng.
Kỷ niệm 134 năm Ngày
sinh của Bác (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ tinh cảm,
lòng biết ơn sâu sắc tới Bác Hồ kính yêu; toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt
Nam báo công với Bác về những thành tích đạt được và quyết tâm
sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, sai lầm để tiếp tục tiến bước trên con
đường dựng xây đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, giàu mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh, sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời Bác
hằng mong muốn./.