KHÔNG CÓ CHUYỆN “NỘI CHIẾN” Ở VIỆT NAM
Những ngày qua, trên mạng xã hội người dùng xôn xao và phản ứng trước vụ việc nữ ca sĩ Khánh Ly hát ca khúc “Gia tài của mẹ” và điều đán...
Những ngày qua, trên mạng
xã hội người dùng xôn xao và phản ứng trước vụ việc nữ ca sĩ Khánh Ly hát ca
khúc “Gia tài của mẹ” và điều đáng lưu ý là ca khúc này không nằm trong danh
mục 24 bài đăng ký biểu diễn được cơ quan chức năng phê duyệt trước đó. Phản
ứng gay gắt của người dùng mạng xã hội cũng là một lẽ đương nhiên, không có gì
lạ. Bởi lẽ, những ca từ trong ca khúc là mang tính chất bịa đặt, xuyên tạc,
đánh tráo khái niệm nhằm che đi tội ác của quân xâm lược.
Trong ca khúc có câu “hai
mươi năm nội chiến từng ngày”. Rõ ràng đây thật sự là một khái niệm bị đánh
tráo, bởi một lẽ đây là cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam
đánh đuổi kẻ thù xâm lược chứ không phải là cuộc nội chiến.
Ảnh: Lính Mỹ đốt nhà dân tại khu
vực gần Sài Gòn tháng 11/1965. Trong chiến tranh Việt Nam,
binh sĩ Mỹ đã phạm nhiều tội ác như thảm sát dân thường, hãm hiếp phụ nữ.
Năm 1945, Cách mạng
tháng Tám của Việt Nam là CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC. Theo đó, tất cả dân tộc
Việt Nam, không kể thuộc thành phần xã hội nào, tư sản, địa chủ, công nhân,
nông dân, trí thức, học sinh, thợ thủ công…, bất kể người già, người trẻ, phụ nữ
hay đàn ông…, hễ là người Việt Nam thì đều phải nhất tề đứng lên chống thực dân
Pháp xâm lược (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp của Chủ tịch
Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946). Và bản chất của điều đó có nghĩa là mâu thuẫn cơ
bản trong cuộc Kháng chiến chống Pháp của người Việt Nam là mâu thuẫn giữa toàn
thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược. Những mâu thuẫn khác đều không
thể có cơ hội để phát triển thành xung đột vũ trang.
Còn chính phủ bù nhìn
của Bảo Đại được Pháp dựng lên năm 1948 thực chất không thể hiện ý chí của dân
tộc Việt Nam mà chỉ là một con bài chính trị trong tay thực dân Pháp. Chính phủ
đó phục vụ cho lợi ích của Pháp ở Đông Dương và hoàn toàn phụ thuộc vào thực
dân Pháp về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, tài chính. Thực chất đó là
“con rối” do người Pháp dựng lên và giật dây. Vì vậy, không thể coi hoạt động của
chính quyền bù nhìn này có bất cứ một giá trị thực tế nào để có thể đại diện cho
một lực lượng chính trị có tư cách pháp lý ở Việt Nam.
Kế thừa chính quyền bù nhìn “Quốc gia Việt Nam”, cái gọi là chính thể “Việt nam Cộng hòa” do Ngô Đình Diệm và sau này đến lượt Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương và Dương Văn Minh cầm đầu cũng là một kiểu chính quyền bù nhìn, chính quyền con rối trong tay người Mỹ, do người Mỹ dựng lên, nuôi dưỡng và điều khiển để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Vì vậy, những thứ chính quyền đệ nhất Việt nam Cộng hòa, đệ nhị Việt nam Cộng hòa, hoàn toàn không đủ tư cách pháp lý để đại diện cho bất kỳ một quyền lợi nào của dân tộc Việt Nam mà chỉ phục vụ lợi ích của ngoại bang, lại càng không thể đại diện cho ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam. Thực chất, đó là các lực lượng của đế quốc Mỹ, do Mỹ gây dựng, nuôi dưỡng, đào tạo, chỉ huy và thao túng nhằm chiến đấu cho quyền lợi của nước Mỹ, phản bội lại nền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam. Ngay cả sau năm 1973, khi quân đội Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam thì mục tiêu chiến đấu phục vụ cho quyền lợi của người Mỹ của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn ở miền Nam vẫn không thay đổi.
Bởi
mâu thuẫn căn bản của Chiến tranh Việt Nam là mâu thuẫn giữa dân tộc
Việt Nam với đế quốc Mỹ. Nguồn gốc xung đột trong Chiến tranh Việt Nam là chính
sách và hành động xâm lược Việt Nam của chính giới Mỹ chứ không phải xuất phát
từ mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc Việt Nam. Người Mỹ có thể lợi dụng một số kẻ
bán nước ở Việt Nam để làm bình phong che đậy cho âm mưu xâm lược của họ nhưng
bản chất của cuộc chiến không vì thế mà thay đổi.
Ảnh: Số lượng quân ngoại bang trên chiến trường Việt Nam thời điểm năm 1968
Có thời điểm năm 1968,
trên chiến trường Việt Nam có khoảng 541.933 quân Hoa Kỳ, 7.379 quân Úc, 31
quân Trung Hoa, 50.355 quân Đại Hàn, 523 quân Tân Tây Lan, 1.825 quân Phi, 12
quân Tây Ban Nha, 2.423 quân Thái Lan, tổng cộng có khoảng 604.481 quân của
nước ngoài tham chiến. Trong khi đó, lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt
Nam thời điểm năm 1968 chỉ có khoảng 130.000 người. Với số lượng có 604.481
quân ngoại bang (cả quân xâm lược, cả lính đánh thuê) đối đầu với 130.000 Quân
giải phóng miền Nam Việt Nam thì không thể gọi là cuộc “nội chiến” được.
Lịch sử dân tộc Việt Nam
gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, đấu tranh giải phóng dân
tộc, thống nhất đất nước. Đó là một sự thật không thể chối cãi được. Chính vì
thế, cái gọi là “nội chiến” rõ ràng là một sự đánh tráo khái niệm nhằm che dấu
tội ác của quân xâm lược.
Vì tất cả các lý do
trên, không thể có bất cứ một thứ nào gọi là “nội chiến” ở Việt Nam. Giai đoạn
1945 - 1975 là 30 năm chiến tranh cách mạng để giành độc lập, tự do, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Dân
tộc ta bằng chính ý chí, tinh thần yêu nước của hàng triệu con người Việt Nam
đã làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Có biết bao mồ hôi, xương máu và nước
mắt của người dân Việt Nam đã đổ xuống vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc.
Những thế lực tự coi mình là một bên thứ ba trong cuộc chiến để “minh họa” cho
cái gọi là “nội chiến ở Việt Nam” là một sự mạo nhận. Còn những ai cho rằng
trong cuộc trường chinh 30 năm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ ở
Việt Nam có yếu tố nội chiến, thì thực chất đó chỉ là sự đánh tráo khái niệm, dẫn
đến những sai lầm nghiêm trọng trong nhận thức lịch sử và đó là sự xuyên tạc lịch
sử Việt Nam. Chính
vì vậy, thế hệ trẻ ngày nay nên chú trọng học môn lịch sử và biết chọn lọc
thông tin để hiểu rõ bản chất lịch sử, qua đó trân trọng sự hi sinh lớn lao của
các thế hệ cha anh đi trước trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ nền hòa bình và độc
lập dân tộc./.